Ký ức buồn của bác sĩ về bệnh viện tâm thần

Có lẽ vào mỗi buổi chiều muộn thường gợi người ta nhớ đến cảnh sum họp đầm ấm gia đình sau một ngày làm việc nên cảnh chiều bệnh viện lại càng làm cho người bệnh và cả những người thân trông nom chăm sóc người bệnh có cùng cảm giác buồn bã, cô đơn khôn tả...

Thường thường khoảng bốn rưỡi, năm giờ chiều, hầu như nhân viên bệnh viện đã về hết ngoại trừ kíp trực, bệnh viện trở nên vắng lặng hẳn.

Bệnh nhân ngồi suy tư không nói hoặc ngồi nhìn nhau, còn người nhà cũng vậy, trông ai cũng có vẻ mệt mỏi lo lắng... Dường như ai cũng tự hỏi không biết bao giờ mình đỡ bệnh hay bệnh của người nhà mình thuyên giảm để được trở về nhà sau những ngày mệt mỏi, khổ sở, lo lắng căng thẳng với cảnh “sểnh nhà ra thất nghiệp”. Đặc biệt những người ở xa phải bỏ việc, ăn đợi nằm chờ, sống tạm bợ... nên nỗi mong muốn về nhà luôn luôn ám ảnh trong đầu họ.

Ký ức buồn của bác sĩ về bệnh viện tâm thần - 1

Phát thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Buổi chiều bệnh viện vốn đã buồn nhưng ở bệnh viện tâm thần thì có lẽ là một trong những cảnh chiều buồn nhất đối với ai đã từng có dịp chứng kiến. Bệnh viện tâm thần nơi “cư ngụ” của những con người được coi là điên dại...

Cuối giờ làm việc buổi chiều, cảnh vật tĩnh lặng im lìm, bầu trời xám xịt u ám làm cho người ta có cảm tưởng mọi vật cũng nhuốm màu xám, còn thời gian hình như cũng ngừng trôi bởi thời tiết không có mặt trời làm người ta không xác định được thời gian nếu không có đồng hồ.

Các bệnh nhân tâm thần là những bệnh nhân đặc biệt do tính chất bệnh nên thường phải nằm viện lâu ngày, từ vài tháng đến vài năm, có khi cả chục năm, do bệnh kéo dài, do phải dùng thuốc kéo dài, do khả năng tự chăm sóc kém... về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất người bệnh theo năm tháng cũng sa sút tàn tạ nhanh chóng, làm cho ta có cảm tưởng bệnh nhân dần tàn tạ như những chiếc lá vàng tàn úa.

Buổi chiều sau khi ăn cơm, không có việc gì, một số bệnh nhân đi đi lại lại trong sân, một số đứng, một số ngồi, đôi khi có người không biết nghĩ gì lại cười tủm tỉm, có người không nói, nét mặt ngây ngô ngơ ngác, cái nhìn của họ đờ đẫn hay sững sờ... làm cho người ta tự hỏi không biết họ đang nghĩ gì, đang ước mơ gì? Một số người túm tụm quanh một nhúm chè pha vào một cốc nước to, họ truyền tay nhau vài mẩu thuốc lá hút vội vàng, hút liên tục cho đến xém cả tay...

Có một hình ảnh mà anh bạn tôi là bác sĩ chuyên ngành tâm thần đã chia sẻ, anh không bao giờ quên một nữ bác sĩ tên H bị bệnh nhiều năm. Nàng chưa lập gia đình. Nàng có nước da trắng, khuôn mặt bầu bĩnh xinh xắn, nàng nằm viện đã lâu, nhiều lúc tinh thần như bình thường, lúc lại rối loạn. Người nhà không hiểu vì sao rất ít đến thăm nom, nghe nói trước khi vào viện, nàng đã làm trong một viện lớn của ngành y tế và nàng cũng đã có người yêu... nhưng từ sau khi bị bệnh, mọi thứ đều dần dần rời xa nàng.

Thường mỗi buổi chiều sau khi ăn cơm xong, nàng ra ngồi lúc ở ghế đá, lúc ở bồn hoa trong khuôn viên bệnh viện. Khuôn mặt nàng trắng xinh không biểu lộ cảm xúc, mắt nàng nhìn xa xăm không biết nàng đang nghĩ gì. Anh bạn tôi nói có cảm tưởng nàng tuy ngồi đó nhưng tâm hồn của nàng thì lang thang tận đâu xa lắm, đôi khi nàng buồn quên cả chải tóc... Cảnh này làm gợi nhớ câu ca “nàng sống mà tim như đã chết...”. Chắc hẳn nàng đã quá buồn cho thân phận của mình nên nhiều lần nàng muốn quyên sinh nhưng không thành vì nhân viên bệnh viện đã phát hiện và ngăn cản...

Tuy vậy, chỉ cách một bức tường cao bên ngoài bệnh viện là cảnh hoàn toàn đối lập, phố phường náo nhiệt, người xe tấp nập, con người cười nói vô tư... Không biết người yêu của nàng có còn nhớ đến nàng nữa không, nhớ đến người con gái lòng còn trắng trong chìm đắm trong nỗi buồn tĩnh lặng cô đơn...

Có nhiều trường hợp bệnh nhân đã thuyên giảm nhiều, tất nhiên là không khỏi hẳn, các bác sĩ cũng thường phải liên lạc nhiều lần với người nhà để yêu cầu người nhà đến đón bệnh nhân về. Đôi khi nếu thúc giục người nhà nhiều lại bị hiểu lầm là có ẩn ý gì chăng...

Có lẽ đây cũng là một thực tế của chuyên khoa tâm thần khi mà cộng đồng, thậm chí là người thân của bệnh nhân còn coi bệnh tâm thần là một cái gì đó nặng nề, đáng sợ... Điều này đã là một định kiến hằn sâu trong xã hội rất cần được thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Lê Ðào Nghĩa (Theo Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN