Không tự ý dùng Tamiflu điều trị cúm
"Tamiflu là thuốc chữa cúm H1N1 chứ không phải thuốc đặc hiệu để điều trị cúm H5N1, H7N9. Do đó người dân không nên tùy tiện sử dụng loại thuốc này".
PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục Phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ba tháng đầu năm 2013 có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó có ba trường hợp tử vong do cúm A (H1N1). Số mắc hội chứng cúm tương đương cùng kỳ năm 2012.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương số ca nhiễm cúm nặng cao hơn hẳn so với 2 năm trước. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 bệnh nhân cúm A/H1N1 (98% bệnh nhân ở thể nhẹ).
Một ca nhiễm cúm đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Theo kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia, tỷ lệ virus cúm A (H1N1) trong số các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ này chiếm 46% các trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm, trong khi đó năm 2012 tỷ lệ này chỉ khoảng dưới 5%.
PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, virus cúm luôn biến đổi nhau. Cụ thể năm 2012, cúm B và cúm A (H3N2) đã gây bệnh nhiều nên trong quần thể đã có nhiều người có kháng thể với tuýp này nên năm nay tuýp cúm A (H1N1). Do đó, nếu dùng thuốc bừa bãi sẽ xuất hiện chủng H7N9 kháng thuốc.
Giới chuyên môn khuyến cáo, để tránh sự kháng thuốc, tuyệt đối không tự ý dùng tamiflu cho cúm thông thường mà chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ. Thực chất việc uống taniflu dự phòng là để cơ thể có sẵn thuốc kháng H7N9, nên chỉ dùng hạn chế cho người trước lúc đi vào vùng dịch làm nhiệm vụ.
Bộ Y tế khuyến nghị phải xử lý triệt để các ổ dịch bệnh trên gia cầm, hạn chế tiếp xúc với gia cầm, không chế biến sử dụng gia cầm ốm, chết và đặc biệt đề phòng trong quá trình chế biến gia cầm.
Theo các chuyên gia, các biện pháp phòng bệnh cúm hiện nay chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng để ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng và tiêm phòng vaccin. Khi có biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.