Không đi được, chân ngắn đi vì hỏng khớp háng

Sự kiện: Sức khoẻ 24/7

Trước khi được phẫu thuật, ông H. (57 tuổi) đã hầu như không đi lại được, chân trái cũng trở nên ngắn hơn bên còn lại 2cm do phần khớp háng đã bị hư hỏng nặng vì bệnh lý lâu năm.

Sáng 1-3, tức gần 1 tuần sau ca phẫu thuật, ngày 28-12-2015 vừa qua, bệnh nhân H. đã ổn định và có thể tập đi lại bằng nạng sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần vừa được triển khai tại Bệnh viện An Bình. Theo BS Nguyễn Hoàng Duy, Trưởng khoa Phẫu thuật – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện An Bình, bệnh nhân đã mắc bệnh lý về xương khớp từ lâu khiến khớp háng dần hư hỏng, gây đau đớn rất nhiều trong việc di chuyển.

Không đi được, chân ngắn đi vì hỏng khớp háng - 1

Khớp háng chân trái (bên phải phim X-quang) sau nhiều năm mắc bệnh đã bị hư hỏng, chân trái cũng bị ngắn đi do một phần xương tự tiêu và tạo nên tư thế xiêu vẹo khi bệnh nhân di chuyển

Đến thời điểm trước phẫu thuật, bệnh nhân đã không còn đáp ứng với biện pháp nội khoa, hầu như không thể đi lại nổi vì đau, chân bên trái (bên khớp bị hỏng) cũng trở nên ngắn hơn 2 cm do một phần xương đã tự tiêu đi do bệnh lý. Phẫu thuật thay khớp háng nhằm giúp ông H. có thể đi đứng trở lại, đồng thời điều chỉnh lại độ dài 2 chân cho cân bằng để bệnh nhân có thể có dáng đi bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy, trước đây ông đã gặp nhiều ca bệnh nhân nhập viện vì hỏng khớp háng trong tình trạng đã nặng, khó khăn nghiêm trọng trong việc di chuyển, hai chi dưới không còn đều nhau… dẫn đến việc bệnh nhân phải cố gắng di chuyển với một dáng đi xiêu vẹo, bất thường. Điều này về lâu dài sẽ dẫn tới những vấn đề khác ở cột sống, đầu gối…, làm gân, cơ bắp bị teo lại, yếu đi do kém vận động. Vì vậy, việc chậm trễ phẫu thuật khi có một phần xương, khớp đã hư hỏng nặng sẽ khiến việc điều trị càng trở nên phức tạp.

Không đi được, chân ngắn đi vì hỏng khớp háng - 2

Phim X-quang sau phẫu thuật: Phần khớp hư hỏng đã được thay thế bằng khớp háng nhân tạo, giúp bệnh nhân cử động lại được đồng thời cân chỉnh lại độ dài chân cho bằng với bên chân lành.

Bên cạnh đó, việc bệnh nhân không thể di chuyển, sinh hoạt, lao động như người thường cũng khiến chất lượng sống của họ giảm nghiêm trọng. Với người lớn tuổi, đó còn là điều kiện để các bệnh lý nội khoa tấn công họ mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng đến tuổi thọ và sức khỏe tổng thể.

Riêng với khớp háng, nó có thể bị hư hỏng do bệnh lý hoặc chấn thương và tình trạng này hay gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi. Đây là một phẫu thuật lớn nên nếu người bệnh quá lớn tuổi, có các bệnh lý nội khoa kèm theo thì cần được thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết và chuẩn bị sức khỏe để bước vào cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng không nên vì thể mà quá chần chừ, cố chịu đựng bởi nếu một khớp lớn như khớp háng bị hư hỏng, bệnh nhân sẽ cực kỳ đau đớn và phải đối mặt với các nguy cơ kể trên. Tốt nhất, bệnh nhân nên được thăm khám càng sớm càng tốt bởi bác sĩ chuyên khoa để quyết định phương hướng điều trị hợp lý nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A. Thư (Người lao động)
Sức khoẻ 24/7 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN