Khổ vì... viện phí thấp!

Trong khi các tỉnh, thành đã điều chỉnh một phần viện phí thì Hà Nội, TPHCM, Tây Ninh vẫn “án binh bất động”. Được tiếng là “thương dân” nhưng viện phí thấp lại khiến nhiều bệnh nhân khốn khổ.

Không chỉ chạy đôn, chạy đáo để có tiền nộp viện phí cho chồng chuẩn bị phẫu thuật u đầu tụy, bà Nguyễn Thị Vân, 56 tuổi, ở huyện Sóc Sơn - Hà Nội, còn khốn khổ vì những khoản tiền thuốc, vật tư mà nhân viên y tế yêu cầu bệnh nhân phải mua ngoài bởi BHYT chưa thanh toán.

Càng mổ càng lỗ!

Lý giải việc người dân phải trả một khoản chi phí lớn khi điều trị, một đại diện Bộ Y tế cho rằng do viện phí ở các bệnh viện (BV) Hà Nội thấp, nhiều dịch vụ, vật tư mới chưa được BHYT thanh toán. Trong khi đó, tại các BV ở Trung ương, do viện phí mới đã tính đúng, tính đủ nên bệnh nhân ít phải chịu thêm các chi phí.

“Đơn cử giá nong niệu đạo, thông tiểu cũ chỉ có 6.000 đồng nhưng không có ống xông nên người bệnh phải mua ngoài, còn giá mới là 145.000 đồng nhưng đã có ống xông. Với giá mới, người bệnh không phải mua thêm ống xông mà chỉ đồng chi trả với quỹ BHYT” - ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), so sánh.

Khổ vì... viện phí thấp! - 1

Nhiều bệnh nhân ở Hà Nội khốn khổ vì... viện phí thấp

Theo đại diện nhiều BV ở Hà Nội, cũng vì viện phí thấp nên “càng khám, càng mổ thì càng lỗ”. Theo bác sĩ Hoàng Quốc Kỷ, Giám đốc BV Việt Nam - Cuba, viện phí cũ được xây dựng từ 15 năm trước, trong khi hiện nay, tất cả các chi phí đầu vào từ điện, nước, vật dụng y tế đều tăng chóng mặt. Nếu không tăng viện phí, các BV sẽ gặp khó trong việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Ông Kỷ cho hay hiện giá nhiều dịch vụ mà BV đang áp dụng như cắt amidan 40.000 đồng/lần; đốt điện, cắt cuốn mũi 30.000 đồng;  nhổ răng vĩnh viễn lung lay 4.000 đồng; nhổ răng 8 có biến chứng khít hàm 30.000 đồng… đã không còn phù hợp.

“Thực tế, có những trường hợp vì sự an toàn cho bệnh nhân, bác sĩ không thể dùng thuốc tê mà phải dùng thuốc mê hay không thể dùng chỉ khâu vài ngàn đồng mà phải dùng loại cả trăm ngàn đồng/sợi. Vì vậy, nếu tính theo giá cũ, BV càng mổ nhiều thì càng thiệt”- bác sĩ Kỷ dẫn chứng.

BHYT kết dư hàng trăm tỉ đồng

Một nghịch lý khác được nhiều BV ở Hà Nội nêu ra là do viện phí thấp nên mỗi năm, các BV kết dư quỹ BHYT hàng trăm tỉ đồng, trong khi bệnh nhân BHYT vẫn phải chi trả thêm nhiều cho các dịch vụ. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV Xanh Pôn, cho biết năm 2010 và 2011, ở đây kết dư quỹ BHYT lên tới cả trăm tỉ đồng. Trong khi đó, BV vẫn còn khó khăn về tài chính, bệnh nhân BHYT vẫn phải gồng mình đóng các khoản tiền không nhỏ để đồng chi trả với BHYT dù số tiền mà họ phải bỏ ra mua BHYT hằng năm đều tăng.

“Với kỹ thuật đặt ống dẫn lưu màng phổi, BV đang được BHYT chi trả 64.000 đồng, trong khi giá đấu thầu mua 1 sonde dẫn lưu đã là 240.000 đồng. Như vậy, để chi phí điều trị không bị thâm hụt, BV buộc phải sử dụng sonde dùng để thông tiểu hoặc tận dụng dây truyền dịch để làm sonde dẫn lưu màng phổi, do đó việc an toàn cho bệnh nhân là khó bảo đảm. Vì vậy, nhiều bệnh nhân đành chấp nhận bỏ tiền túi để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn” - bà Nhi dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng các BV của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn do giá dịch vụ y tế tại đây thấp hơn các BV Trung ương, bộ, ngành cùng đóng trên địa bàn. Theo bà Xuyên, hiện cả nước còn Hà Nội, TPHCM và Tây Ninh chưa được HĐND thông qua viện phí mới.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết đã đề xuất TP tăng viện phí với hơn 600 dịch vụ kỹ thuật, mức tăng giai đoạn 1 từ 70%-75% so với khung giá tối đa do Bộ Y tế ban hành. Dự kiến, Hà Nội sẽ áp dụng viện phí mới từ ngày 1-7.

Đánh giá tác động của viện phí mới

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), cho biết trung tâm được giao nhiệm vụ nghiên cứu tác động của việc điều chỉnh viện phí đối với người bệnh sử dụng dịch vụ y tế tại các BV do Sở Y tế Hà Nội quản lý. Nghiên cứu này sẽ thực hiện tại một số BV đa khoa và chuyên khoa của Hà Nội như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Tim, Ung bướu… Dự kiến, kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào tháng 4 tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN