Khi thuốc trở thành “sát thủ”

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh thông thường đã bị sử dụng để thay cho ma túy, dẫn đến nhiều vụ án giết người nghiêm trọng.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án thương tâm mà trong đó hung thủ có những biểu hiện bất thường về tâm thần, mất kiểm soát hành vi như vụ Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1980, ngụ tại huyện Tuy Phong - Bình Thuận) dùng dao chém điên loạn làm 19 người trọng thương và 1 người tử vong; vụ Lê Tuấn Anh (sinh năm 1995, ngụ tại Thanh Hóa) cưỡng hiếp, giết chết một nữ sinh lớp 12 rồi vứt xác xuống sông...

Dùng thuốc chữa bệnh thay ma túy!

Khai nhận tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Tiến cho biết trước đó đã sử dụng hết 1 vỉ 10 viên Recotus, một loại thuốc chống ho. Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, Recotus có chứa Dextromethorphan HBr 30 mg, là dẫn xuất của morphin, khi sử dụng nhiều sẽ tạo ra trạng thái vật vờ, buồn ngủ, lơ mơ mất kiểm soát và sử dụng lâu sẽ gây nghiện.

Trong trường hợp này, Recotus có thể được đối tượng sử dụng để thay thế cho ma túy (Tiến là con nghiện, từng được đưa đi cai nhưng bất thành).

“Khi không có ma túy, nhiều con nghiện đã sử dụng một số loại thuốc có tác động đến thần kinh để thay thế. Bị lạm dụng nhiều nhất là các thuốc thuộc nhóm Benzodiazepine (BZD) như valium, seduxen, diazefa, diazepan… vốn được dùng để điều trị một số bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ…, với tác dụng an thần.

Khi thuốc trở thành “sát thủ” - 1

Trước khi trở thành “sát thủ”, Nguyễn Văn Tiến - một _con nghiện - đã uống 10 viên thuốc Recotus - loại thuốc chống ho. Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Các loại thuốc này dùng lâu dài sẽ gây lệ thuộc thuốc (gây nghiện) và chính giai đoạn lơ mơ, nửa tỉnh nửa mê khi vừa “phê” thuốc quá liều, người nghiện dễ có những hành vi thiếu kiểm soát. Đôi khi, chỉ cần đôi lời khích bác, con nghiện cũng có thể cầm dao chém người; nhiều con nghiện vào đến bệnh viện gây hấn với cả nhân viên y tế” - BS Quang cho biết.

Theo BS Trần Đình Phương, giám định viên của Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, cũng có nhiều trường hợp do vô tình không tuân theo chỉ định của bác sĩ mà lạm dụng thuốc dẫn đến lệ thuộc rồi phát bệnh. Trên thực tế, nhiều loại ma túy ngày nay có nguồn gốc từ thuốc trị bệnh, như heroin vốn được tạo ra để làm thuốc giảm đau, amphetamin (hàng đá) có công dụng gây hưng phấn, tỉnh táo và đôi khi được bác sĩ tâm thần chỉ định để điều trị chứng ngủ rũ…

“Nghiện” bạo lực

Tại Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, không ít những hung thủ giết người được đưa đến giám định tâm thần cho rằng mình làm những hành động trên để giống với một nhân vật nào đấy trên phim ảnh, game bạo lực…

Gần đây, vụ xả súng hàng loạt tại rạp chiếu phim ở Colorado, Mỹ mà hung thủ là một nghiên cứu sinh ngành tâm thần tự cho mình là Joker (một nhân vật phản diện trong phim Batman) là một điển hình. “Sát thủ” 17 tuổi Lê Tuấn Anh sau khi cưỡng hiếp và giết cô học sinh lớp 12 đã khai với cơ quan công an: “Cháu có họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì giống anh ấy” (!)

BS Nguyễn Ngọc Quang phân tích: Những hình ảnh bạo lực khiến các hóa chất trung gian của hệ thống thần kinh trung ương như dopamine, serotonine bị thay đổi làm giảm sự đề kháng, tự vệ, biến đổi cảm xúc.

Về lâu dài, một người tiếp xúc quá nhiều với hình ảnh bạo lực - qua phim ảnh, game chẳng hạn - bị rối loạn tâm thần là điều hiển nhiên. Ở mức độ nhẹ, họ trở nên hung hãn, thiếu kiềm chế. Nặng nề hơn, việc biến đổi nhân cách tiêu cực này có thể là tiền đề của nhiều vụ án thương tâm, trong đó hung thủ “sao chép” sự dã man, bạo lực của thế giới phim ảnh ra ngoài đời thực.

“Đa phần người tâm thần khi chưa đến cơn thì hoàn toàn bình thường nhưng khi lên cơn rồi thì thực sự rất nguy hiểm cho mọi người xung quanh và chính bản thân họ. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, họ có thể làm những điều rất nguy hại mà chúng ta khó lòng tưởng tượng” - BS Nguyễn Ngọc Quang phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư (Người lao động)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN