Khi nào tuyệt đối không được xông hơi?
Có người bị ngất, có người đã chết chỉ vì phương pháp xông hơi điều trị sức khỏe không đúng cách.
Rất nhiều người bị đau đầu, đau vai gáy, mệt mỏi… thường đi xông hơi, hoặc tự xông ở nhà. Nhưng một số người biết xông hơi khô giảm béo tốt nên đi liên tục mà không ngờ khi mỡ tiêu hao và một phần năng lượng mất đi cơ thể sẽ mệt vì mất nước quá nhanh, không tốt cho sức khỏe.
Chưa kể có những người phớt lờ quy định của phòng xông hơi, dù có nhân viên và biển cảnh báo ghi rõ khi nào không xông hơi lâu, sức khỏe sao mới được xông hơi… Có nhiều ông say mềm, hoặc mắc bệnh da liễu... vẫn vào xông hơi, thậm chí tiếc tiền ngồi lâu 20 - 30 phút mới chịu ra ngoài. Nhiều người còn thực hiện sai quy trình, như xông hơi (khô hoặc ướt) rồi mới tắm để massage.
Ai không được phép xông hơi?
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn (Khoa Đông y, BV đa khoa Hòe Nhai, Hà Nội), xông hơi là dùng hơi nóng làm cho các mạch giãn ra để trừ độc cho cơ thể bằng đường mồ hôi. Bản chất của việc xông hơi là có lợi, nhất là cho những người vừa bị cảm, mồ hôi không toát ra được xông hơi để đổ mồ hôi. Xông hơi rất tốt để trị bệnh hô hấp, thấp khớp…, Sau xông hơi thường mát xa thư giãn để cơ thể dễ chịu, khoan khoái.
Có hai loại: Xông hơi ướt (làm ẩm da bằng các dược liệu thiên nhiên như xả, hương nhu, lá bưởi…); Xông hơi khô (dùng sỏi, đá quý nung nóng kết hợp tinh dầu làm vã mồ hôi, giảm đau nhức, mệt mỏi, thanh độc, thư giãn tinh thần…). Xông hơi khô tiêu hao năng lượng thừa ở đùi, mông, ngực, giảm béo mà da không bị nhăn… nên được ưa chuông.
Nhưng có những người không được phép đi xông hơi, cụ thể:
- Người đã uống rượu bia đi xông hơi rất nguy hiểm, vì các mạch giãn căng có thế gây tụt huyết áp, phải đi cấp cứu.
- Người sốt cao lâu ngày, ăn uống kém, suy nhược, âm chất kém… không nên xông hơi.
- Người có bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành tim, rối loạn nhịp tim, tiền sử đã mắc đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim…), người đang bị sốt cao hay đang mắc các bệnh da liễu, phụ nữ đang mang thai và đang hành kinh, người có thể chất quá suy nhược và già yếu, say rượu, ăn quá no hoặc đang quá đói…
- Người bị bệnh về tim mạch, da liễu không được vào phòng xông hơi.
- Người cơ thể mỏi mệt, vừa tập thể dục, vận động nhiều thì nên nghỉ ngơi, không nên vào phòng xông hơi ngay.
- Nếu đang mang thai, bị bệnh huyết áp, tim mạch và hen suyễn thì chớ xông hơi.
Ảnh minh họa.
Việc không nên làm khi xông hơi
- Không nên xông hơi tập thể vì mỗi người có một cơ địa khác nhau, cần nhiệt độ xông khác nhau.
- Không nên xông quá lâu, với người bình thường chỉ 5,7 phút là đủ.
- Không nên để da bẩn vào xông hơi, mà trước khi xông hơi cần rửa sạch bụi bẩn, mỹ phẩm bám trên da để xông xong làn da sẽ láng mịn và không bị mụn tấn công.
- Không nên uống nước ướp lạnh, nước đá ngay sau xông hơi, cũng không uống bù quá nhiều nước vì lỗ chân lông vẫn đang mở và cơ thể tiếp tục đào thải rất dễ gây đột quỵ.
- Sau khi xông hơi tuyệt đối không được tắm lại dù là nước ấm hay nước lạnh bởi lúc đó các lỗ chân lông đang nở ra sẽ hút nước, nếu tắm ngay các lỗ chân lông sẽ co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể và có thể bị cảm nhiễm, đặc biệt là tạng phổi, và tiêu hóa kém...
Không xông hơi quá lâu vì phòng xông hơi ẩm ướt, dễ chịu nhưng càng ở lâu càng thiếu ô xy.