Dùng 5 lít bia chữa ngộ độc rượu có đúng theo quy định của Bộ Y tế?

Sự kiện: Ngộ độc rượu

Nhiều người thắc mắc, sử dụng ethanol để điều trị cho người ngộ độc rượu có phải là biện pháp khoa học.

Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa chia sẻ việc truyền bia cứu người ngộ độc rượu tại BV Đa khoa Quảng Trị.

Theo đó, sau khi, BS Lâm truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26.12 (sau 24 giờ) bệnh nhân ngộ độc rượu đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Dùng 5 lít bia chữa ngộ độc rượu có đúng theo quy định của Bộ Y tế? - 1

Bệnh nhân ngộ độc rượu được truyền 15 lon bia. (Ảnh: Ngọc Vũ).

Ngày 11-1, Bộ Y tế cho biết, theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc, với bệnh nhân bị ngộ độc rượu, thì thuốc giải độc đặc hiệu là Ethanol và fomepizole (4-methylpyrazole) vì ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục chuyển hóa và gây độc.

Như vậy, theo hướng dẫn này, việc bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị sử dụng bia (chứa ethanol) để giải độc rượu (chứa methanol) là hợp lý.

Phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng lưu ý, Ethanol hoặc fomedizole nên dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách, để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể. Tuy Ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nƣớc điện giải. Chế phẩm ethanol tĩnh mạch dễ dùng cho bệnh nhân hơn, dễ theo dõi và điều chỉnh liều hơn ethanol đường uống. Còn Fomepizole hiệu quả, dễ dùng và theo dõi nhưng rất đắt tiền.

Phác đồ của Bộ Y tế cũng hướng dẫn cách dùng ethanol đường uống cho người ngộ độc rượu là: Loại ethanol sử dụng là loại rượu uống, sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn, pha thành rượu nồng độ 20% với liều ban đầu 800 mg/kg, uống có thể pha thêm đường hoặc nước quả, hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày.

Trong quá trình sử dụng ethanol đường uống, các bác sĩ cần theo dõi nồng độ ethanol trong máu (nếu có điều kiện), duy trì 100-150mg/dL. Theo dõi tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu. Xử trí tai biến và cần đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ glucose.

Bác sĩ sẽ ngừng ethanol khi bệnh nhân đạt các tiêu chuẩn sau: khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ methanol máu dưới 10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa như mô tả trên và lâm sàng (đặc biệt thần kinh trung ương) đã cải thiện.

Bộ Y tế cho biết, sử dụng ethanol để điều trị cho người ngộ độc rượu là biện pháp khoa học nhưng phải được thực hiện trong cơ sở y tế với các điều kiện chặt chẽ.

Truyền 15 lon bia cứu sống người đàn ông nguy kịch do ngộ độc rượu

Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Ngộ độc rượu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN