Để trẻ không sợ uống thuốc

Nhiều người dùng mọi cách để dụ trẻ uống thuốc nhưng trẻ vẫn chối từ, thậm chí có trường hợp còn vô tình làm trẻ bị ngộ độc thuốc. Vậy nên để mặc trẻ hay cố ép trẻ nằm xuống mà đổ thuốc? Cả hai cách đều không thích hợp, bạn cần có cách ứng xử khoa học, phù hợp với tâm lý trẻ.

Đúng thuốc, đúng vị, đúng cách

Trước hết, đọc kỹ đơn thuốc và cho trẻ uống đúng liều. Nếu trẻ không chịu uống do thuốc có mùi vị khó chịu, hãy hỏi bác sĩ hay dược sĩ xem có thể đổi dạng thuốc khác hay pha thuốc với sữa, nước ép, sinh tố… để giúp trẻ dễ uống hơn.

Dạng thuốc thích hợp nhất với trẻ nhỏ là thuốc dạng lỏng như xirô hỗn dịch, bột pha xirô hỗn dịch, thuốc giọt vì chúng dễ chia liều và ngọt, dễ uống. Không phải thuốc nào cũng có thể pha với sữa, vì sữa có thể gây tương tác bất lợi với thuốc. Lượng canxi dồi dào trong sữa tạo phức hợp khó tan với kháng sinh ciprofloxacin, tetracyclin.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thuốc nên uống chung với sữa như thuốc kích ứng dạ dày (aspirin), hay cần chất béo để thuốc dễ hấp thu (vitamin A, vitamin D). Nên lưu ý: một số thuốc cần uống lúc đói để cho tác dụng tốt nhất như azithromycin, oxacillin, ciprofloxacin, cefaclor. Một số thuốc uống lúc no lại tốt hơn: cefpodoxim, cifixim. Nên hỏi bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn. Bạn cũng có thể dùng một cây kem hay một viên nước đá nhỏ làm tê miệng trẻ trước và sau khi uống thuốc, vừa giúp trẻ bớt đi cảm giác thuốc đắng vừa có tác dụng dụ dỗ trẻ.

Để trẻ không sợ uống thuốc - 1

Cho trẻ uống thuốc là cả một nghệ thuật. Ảnh: W.B

Dùng “quyền trợ giúp”

Thuốc dạng lỏng: sử dụng xylanh lường thuốc, ống nhỏ giọt, muỗng lường, cốc lường (những dụng cụ này đi kèm theo lọ thuốc) để lấy đúng liều.

Thuốc viên: nếu trẻ nhỏ không uống được cả viên thuốc, hãy hỏi bác sĩ hay dược sĩ xem có thể nghiền hay tán viên thuốc. Sau khi nghiền, tán thì pha thuốc với một lượng nước chín để nguội vừa đủ.

Bạn cũng phải hỏi bác sĩ hay dược sĩ trong những thuốc trẻ uống, thuốc nào uống lúc đói, thuốc nào uống lúc no, những thuốc nào có thể pha chung với nhau. Dùng xylanh uống (nếu sử dụng xylanh chích thì phải bỏ kim) rút lượng thuốc đã chuẩn bị.

Sáu chữ vàng: bóp nhẹ, bơm chậm, đẩy cằm

Giữ trẻ ở tư thế như khi trẻ bú hoặc đặt trẻ ngồi trên ghế cao. Bóp nhẹ nhàng hai má cho trẻ mở miệng ra. Bơm thuốc từ từ vào một bên má của trẻ, đừng bơm thẳng vào miệng vì bạn có thể làm trẻ sặc, rất nguy hiểm. Vẫn bóp má trẻ, tay kia đẩy nhè nhẹ cằm giúp trẻ nuốt hết thuốc.

Bạn cũng có thể cho thuốc của trẻ vào một cốc nhỏ, nhúng ngón tay bạn vào cốc cho trẻ mút thuốc (nhớ phải vệ sinh tay trước).

Những việc nên và không nên làm khi cho trẻ uống thuốc

Nên: rửa tay trẻ ngay nếu sơ ý bị dính thuốc. Sử dụng đồ chơi, hát cho trẻ nghe nhằm thu hút sự chú ý của trẻ. Nhờ người giúp đỡ khi cho trẻ uống thuốc. Ngay cả khi trẻ khoẻ hơn, bạn vẫn phải tiếp tục cho trẻ uống đủ liều như trong đơn thuốc.

Đối với trẻ lớn: nói cho trẻ nghe trẻ bị bệnh như thế nào và tại sao phải uống thuốc. Thuốc sau khi pha phải bảo quản đúng theo hướng dẫn. Cha mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi cho trẻ uống.

Không nên:
sử dụng những dụng cụ không thích hợp như muỗng càphê, muỗng ăn cơm để chia liều thuốc. Để thuốc trong tầm với của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DS Nguyễn Thị Bích Nga ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN