Cứu sống BN hóc thạch ngưng thở, ngưng tim

Ngày 17/10, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhi bị hóc thạch nặng ngừng thở, ngừng tim.

Theo người nhà bệnh nhi kể lại, trước đó, vào 10h30 phút ngày 4/10, bệnh nhi Lương Hữu N. (14 tháng tuổi ở Phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) ăn thạch rau câu tại nhà. Đang ăn cháu N bị ho sặc sụa, tím tái toàn thân, ngừng thở. Lập tức, gia đình đưa cháu vào BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu, đặt ống khí quản, hút, truyền dịch nhưng cháu vẫn rơi vào hôn mê. Sau đó cháu N được chuyển thẳng đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để soi và gắp viên thạch, tuy nhiên tại đây cháu vẫn bị ngừng thở, tím đen.

Cứu sống BN hóc thạch ngưng thở, ngưng tim - 1

BS Dũng đang xem Xquang phổi cho bệnh nhi N

17h30 phút, gia đình tiếp tục chuyển cháu N đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nguy kịch. BS Dũng cho biết, thời điểm này độ bão hòa oxy máu chỉ có 30-40% (người bình thường là 95%, dưới 92% đã rất nguy kịch). Tại đây, các bác sĩ phải bóp ống thở ngoài lồng ngực. Sau 15 phút tim đập trở lại, BS Dũng chỉ đạo các bác sĩ tại khoa không tập trung vào hút mà chỉ đặt ống thở, chỉ tranh thủ hút rồi cho thở máy ngay.

Các BS tại Khoa Nhi đã thực hiện thao tác nghiêng ống bên trái cho thở bên phải và ngược lại gần hai ngày để đảm bảo oxy lên não cho bé. Đến nay sức khỏe của cháu N đã tiến triển tốt và sẽ được ra viện trong một vài ngày tới.

Cứu sống BN hóc thạch ngưng thở, ngưng tim - 2

Sức khỏe của cháu N đã ổn định và sẽ được ra viện trong vài ngày tới

Đối với các trường hợp hóc dị vật khác như hóc hạt lạc, hạt đỗ thì các bác sĩ chỉ cần nội soi và gắp dị vật và ít khi bị chèn vào khí quản. Tuy nhiên, với những ca hóc thạch thì khả năng cứu sống là rất khó vì viên thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc hút dị vật.

BS Dũng khuyến cáo để tránh những nguy hiểm khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.

Trong trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa từ xa, tuyệt đối tránh để trẻ chơi với các đồ chơi nhỏ, dễ vỡ, cẩn trọng khi cho trẻ ăn quả có hạt và tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không cười đùa kẻo dễ sặc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN