"Cò" BV chèo kéo cả... lãnh đạo Bộ Y tế
Chính đương kim Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khi đến BV Mắt trung ương cũng được “cò” mời chào mua sổ khám dịch vụ cho nhanh.
Đã có hẳn một hội thảo để bàn biện pháp chống “cò” bệnh viện được ngành y tế phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức. Nhưng việc dẹp “cò” vẫn rất khó khăn bởi có sự tiếp tay của nhân viên y tế, thậm chí cả người bệnh.
Bệnh nhân “bắt tay” với cò
Tình trạng “cò” y tế tung hoành tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh không chỉ đơn thuần là việc chèo kéo gây phiền hà, thiệt hại cho người bệnh, mà không ít đối tượng trong đội quân này còn là những “đạo chích” chuyên nghiệp, trộm cắp tiền bạc, đồ đạc của bệnh nhân.
Đại diện nhiều bệnh viện (BV) đều thừa nhận, việc dẹp được nạn “cò” thực sự là vấn đề nan giải, có chăng chỉ kiểm soát được phần nào. Cho dù BV phối hợp chặt với công an và chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, truy quét “cò”, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, xong đâu lại vào đó. Bởi lẽ, BV còn quá tải, người bệnh vẫn phải chịu vất vả, phiền hà mỗi khi đi khám, chữa bệnh, thì “cò” y tế vẫn còn đất hoành hành.
“Cò” và đạo chích ở Bệnh viện K., bị công an bắt giữ và cảnh báo. Ảnh: Minh Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, thẳng thắn nhìn nhận: “Cò" đã tồn tại từ lâu, có lúc còn hoạt động công khai cả trong lẫn ngoài BV như bán sổ khám bệnh, môi giới làm xét nghiệm, phẫu thuật rồi dẫn bệnh nhân đến các phòng khám tư nhân… Thực tế, BV đã tuyên truyền qua loa phóng thanh ngay từ cổng vào và dán những biển cảnh báo, nhưng người bệnh nhiều khi thấy đông đúc, chật chội nên vẫn thỏa thuận với “cò” để được khám bệnh nhanh. Mặt khác, xung quanh BV có tới 6 cơ sở khám mắt khác nên người bệnh dễ bị “cò” rủ rê, lôi kéo.
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng chia sẻ, chính ông khi đến BV Mắt trung ương cũng được “cò” mời chào mua sổ khám dịch vụ cho nhanh.
Không thể xử lý triệt để
Còn ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho rằng, khó có thể xử lý và không thể biết được những đối tượng cò mồi, dụ dỗ, lôi kéo khách vào khám tại các phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, nếu người dân có thông tin, BV sẵn sàng tiếp nhận và phản ánh với công an để xử lý. Đại diện BV Bạch Mai, cho rằng “cò” cũng giống nạn trộm cắp hay nhiều tệ nạn xã hội khác, khó trị tận gốc. BV đã dán ảnh những đối tượng cò mồi để bệnh nhân cảnh giác nhưng vẫn không thể xử lý triệt để.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Y tế, nhận xét, tình trạng “cò” chủ yếu tập trung ở khu vực BV công. Đây là “khuyết tật” về mặt xã hội thuộc khu vực y tế công. Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn, cần phải làm rõ khái niệm cò mồi là môi giới giữa người bệnh và nhân viên y tế, với BV. Quan hệ tay 3 làm xuất hiện “cò nội” và “cò ngoại”. “Cò ngoại” là môi giới ở ngoài, “cò nội” là ở bên trong phối hợp với “cò ngoại” để sắp xếp giường, bác sĩ mổ… cho người bệnh hoặc bản thân nhân viên y tế tự giới thiệu với bệnh nhân để đưa đến phòng khám riêng hoặc BV tư. Ngoài ra, “cò” BV đang hoạt động dưới nhiều hình thức, hoặc đơn lẻ hoặc biến tướng thành một tổ chức nên phức tạp, khó giải quyết. “Hiện nay đã có quy chế BV chứ không phải không có cơ chế xử lý, có điều cơ bản là giải quyết vấn đề này như thế nào…”, ông Quang nói.
Trước việc “bắt tay” của nhân viên y tế với “cò”, các BV cho biết đều có chế tài xử lý thật nặng, thậm chí chấm dứt hợp đồng với y, bác sỹ nào móc ngoặc với “cò”, lấy tiền của bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế cho tới nay, số cán bộ y tế làm “cò” bị phát hiện và xử lý vẫn còn quá ít, thậm chí là không xử lý được. Đại diện BV Việt Đức cho biết, có hình thức phạt 5-10 triệu đồng khi nhân viên áo trắng đi đón bệnh nhân, giúp thanh toán viện phí hay khám bệnh, nhưng thực tế chưa ai bị phạt.
Còn Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương thông tin thêm, nhiều khi “cò” lại chính là những cán bộ đã từng làm tại bệnh viện mới nghỉ hưu, nay đưa người đến nhận là người nhà, họ hàng nên cũng khó có thể xử lý.
Ông Nguyễn Việt Chức, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, chỉ rõ, nhiều quận, huyện và BV chưa quan tâm đến việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung và “cò” BV. Hơn nữa, hiện nay mặt bằng nhiều BV chật hẹp, lượng bệnh nhân quá đông, đây chính là điều kiện thuận lợi để “cò”, trà trộn lôi kéo người bệnh và trộm cắp. Bên cạnh đó, khi bắt được “cò” giao cho công an phường xử lý, thì chỉ có thể xử phạt hành chính rồi thả ra. Ngày hôm sau, những đối tượng này lại tiếp tục hoạt động.