Chuyện lạ: Bị hóc xương vịt, một tháng sau mới biết

Sự kiện: Sống khỏe

Bệnh nhân Th. được nhập viện trong tình trạng ho dữ dội, khó thở, tức ngực, sốt không cắt cơn và uống thuốc không thuyên giảm.

Xác nhận sự việc trên với phóng viên vào chiều nay (3/7), lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thông tin, bệnh viện vừa gắp thành công mảnh xương vịt dài 2,5cm nằm trong phế quản của bệnh nhân hơn một tháng.

Trước đó, Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Xuân Th. (66 tuổi), trú tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long trong tình trạng ho dữ dội, tức ngực, khó thở và sốt cao không dứt.

Theo bệnh nhân, trong một lần ăn thịt vịt không may bị hóc xương vướng vào cổ họng. Sau nhiều lần ho khạc không ra, thấy hết vướng và đau nhức nên nghĩ mảnh xương đã tự trôi xuống dạ dày nên không đi khám tại bệnh viện.

Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, ông Th. có biểu hiện ho dữ dội, khó thở, tức ngực, sốt mãi không dứt nên vào viện khám và điều trị thuốc nhưng không thuyên giảm.

Chuyện lạ: Bị hóc xương vịt, một tháng sau mới biết - 1

Mảnh xương vịt nằm trong phế quản bệnh nhân hơn 1 tháng được bác sĩ lấy ra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Qua hình ảnh chụp CT Scanner lồng ngực và hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán, xuất hiện hình ảnh nghi ngờ có dị vật trong đường thở. Sau đó, bệnh nhân được thực hiện nội soi phế quản ống mềm gây mê.

Tại đây, bác sĩ phát hiện dị vật là một mảnh xương vịt dài 2,5 cm nằm trong lòng phế quản trái của bệnh nhân và được bác sĩ dùng kẹp gắp thành công ra ngoài. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của ông Th. đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Thành Định – Trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp cho hay, do mảnh xương vịt có kích thước khá lớn lọt sâu trong lòng phế quản trái hơn một tháng khiến phổi trái của bệnh nhân xuất hiện phù nề, viêm nhiễm và chảy máu.

Đây cũng là trường hợp hiếm gặp vì theo giải phẫu cây phế quản, thông thường sẽ hay gặp dị vật phế quản bên phải chứ không phải bên trái. Nếu gia đình không đưa ông Th. vào viện kịp thời, dị vật có thể bám chắc và sâu hơn gây ra nhiễm trùng đường hô hấp. Trường hợp nặng có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi làm giãn phế quản và khó khăn cho điều trị cũng như ảnh hưởng lâu dài tới chức năng thở của bệnh nhân.

Chuyện lạ: Bị hóc xương vịt, một tháng sau mới biết - 2

Bệnh nhân Th. được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiến hành gắp mảnh xương vịt trong phế quản. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong khi đó, khi bị hóc xương đa số mọi người thường khạc, đưa tay vào cổ họng để lôi ra, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian. Tuy nhiên, những điều này sẽ làm cho niêm mạc họng bị trầy xước, chảy máu, dễ nhiễm trùng, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào những vị trí nguy hiểm.

Cho nên, trong khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Nếu bị hóc xương và khi thấy những biểu hiện bất thường như: khó thở, ho nhiều, tức ngực... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất thăm khám và điều trị kịp thời để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hóc xương cá bị nhiễm trùng xém thiệt mạng

Ăn cơm với cá bị hóc xương nhưng bệnh nhân chủ quan không đi khám dẫn đến nhiễm trùng thanh nhiệt suýt thiệt mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Tùy (Giadinh.net.vn)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN