Chuyên gia nói về chuyện trì hoãn tiêm liều vaccine thứ 2

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Giãn thời gian tiêm giữa hai liều vắc-xin giúp giảm gánh nặng về nguồn cung và có thể tăng hiệu quả của vắc-xin ở một số trường hợp, tuy nhiên không nên để khoảng cách quá lâu.

Theo khuyến cáo của đa số cơ quan y tế các nước hiện nay, khoảng thời gian giữa liều vắc-xin ngừa COVID-19 thứ nhất và thứ hai nên nằm trong khoảng 21-84 ngày. Lý do là càng để lâu thì càng tăng nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao và kháng vắc-xin.

Dù vậy, theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 của ĐH Oxford (Anh) - đối tác tham gia nghiên cứu vắc-xin cùng hãng dược AstraZeneca (Anh), việc kéo dài thời gian giữa các liều vắc-xin có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại COVID-19. Thậm chí có trường hợp cơ thể vẫn tạo phản ứng miễn dịch tốt khi mũi thứ hai được tiêm sau mũi thứ nhất tới 10 tháng. Nếu tiêm thêm mũi thứ ba cách mũi thứ hai sau hơn sáu tháng còn có thể khiến kháng thể tăng đáng kể hơn nữa và củng cố thêm phản ứng miễn dịch.

Xu hướng giãn thời gian tiêm giữa hai liều đang phổ biến

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới hiện đã tiến hành việc giãn thời gian tiêm giữa hai liều vắc-xin COVID-19 nhưng chủ yếu là vì nguồn cung vắc-xin trong nước lẫn quốc tế có hạn.

Theo hãng tin AP, Anh từ tháng 1 là nước châu Âu tiên phong trì hoãn liều vắc-xin COVID-19 thứ hai tới 12 tuần, ưu tiên tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều nhất càng tốt với ba loại vắc-xin được sử dụng là AstraZeneca (Anh), Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức) và Moderna (Mỹ). Quyết định cũng được đưa ra sau khi số ca nhiễm COVID-19 tại Anh tăng đột biến hồi tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay vì biến thể Alpha. Nhờ chính sách này, Anh giờ là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin cao nhất thế giới với hơn 68% dân số (khoảng 46,4 triệu người) được tiêm ít nhất một liều, theo thống kê đến ngày 16-7 của tổ chức Our World in Data. Chính quyền nước này cũng dự kiến dỡ bỏ gần như mọi biện pháp hạn chế đi lại vào ngày 19-7 (giờ địa phương).

Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada hồi tháng 3 cũng đã ban hành hướng dẫn cho phép một số tỉnh kéo dài thời gian giữa hai liều vắc-xin COVID-19 lên tối đa bốn tháng trong trường hợp thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Trả lời hãng thông tấn CBC, quan chức y tế tỉnh British Columbia - TS Bonnie Henry khẳng định đây là quyết định đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và tạo điều kiện cho thêm nhiều người được tiêm vắc-xin.

Đến tháng 4, tiếp tục đến Đan Mạch cũng đã đồng ý kéo dài thời gian giữa hai liều vắc-xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna đang sử dụng ở nước này lên tối đa sáu tuần để xây dựng miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt, tờ The Local cho hay. Tuy nhiên, cơ quan y tế Đan Mạch cũng khuyến cáo thêm là nên tuân thủ khoảng thời gian 3-4 tuần như quy định ban đầu nếu có thể.

Na Uy, nơi cũng sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech và Moderna, hồi tháng 6 thậm chí còn kéo dài khoảng thời gian này từ sáu tuần lên 12 tuần đối với người trưởng thành dưới 65 tuổi. “Điều này giúp thêm nhiều người được tiêm chủng sớm hơn, ngăn chặn bệnh chuyển biến nghiêm trọng, tử vong và giảm khả năng lây nhiễm chung trong xã hội” - Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie lý giải về quyết định trên, theo hãng tin Reuters.

Còn ở châu Á, Singapore là nước cũng đang áp dụng biện pháp giãn thời gian giữa hai liều vắc-xin. Sau khi kiểm soát dịch thành công nhờ loạt biện pháp chặt chẽ vào năm ngoái, Singapore hồi tháng 4 lại bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng tăng vọt, buộc nhà chức trách phải chuyển sang chiến lược tiêm chủng hàng loạt. Khoảng cách giữa hai liều vắc-xin từ đó tăng từ 3-4 tuần lên 6-8 tuần với mục tiêu toàn bộ dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều trước tháng 9, tờ The Straits Times cho biết.

Ở Campuchia, Bộ Y tế nước này ngày 14-7 cũng ra thông báo cho phép thời gian tiêm mũi thứ hai sau mũi đầu 14-28 ngày đối với hai loại vắc-xin Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, theo tờ The Khmer Times. Hiện Campuchia đã hoàn thành tiêm vắc-xin tại thủ đô Phnom Penh với hơn 2,1 triệu người, đạt tỉ lệ hơn 99% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng. Còn cả nước đã tiêm được gần 4,8 triệu người, tiến tới hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người trưởng thành trên cả nước vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Người dân Mỹ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Trung tâm tiêm phòng Hartford, TP Hartford thuộc bang Connecticut hồi tháng 3. Ảnh: AFP 

Người dân Mỹ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Trung tâm tiêm phòng Hartford, TP Hartford thuộc bang Connecticut hồi tháng 3. Ảnh: AFP 

26,2% dân số thế giới đến nay đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 với lượng vắc-xin được tiêm mỗi ngày lên đến 29,7 triệu, theo số liệu tính đến ngày 16-7 của Our World in Data. 

Ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia

Dù vậy, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với chiến lược giãn thời gian hai liều tiêm bởi lo ngại các biến thể SARS-CoV-2 mới có thể xuất hiện. “Virus sẽ ngày càng tiến hóa để đối phó kháng thể trong vắc-xin dù chúng ta tiêm vắc-xin như thế nào. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có đang đi quá nhanh và quá chú trọng vào mục tiêu xây dựng miễn dịch cộng đồng hay không” - chuyên san khoa học Scientific American dẫn lời TS Paul Bieniasz thuộc ĐH Rockefeller (Mỹ) chia sẻ.

Hồi tháng 3, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ - TS Anthony Fauci khi trả lời tờ The Washington Post cũng từng nêu quan điểm tương tự. Ông khuyến cáo chính phủ Mỹ không nên áp dụng chiến lược này, bất chấp những kết quả khả quan tại Anh. Ông còn lo ngại sự thiếu nhất quán trong chính sách tiêm chủng có thể khiến một số người thêm ngần ngại và không tiêm nữa.

Về phía những người ủng hộ, các chuyên gia này khẳng định chiến lược trì hoãn tiêm liều thứ hai không chỉ có lợi giữa lúc những biến thể mới lây lan rộng khắp, mà còn giúp nguồn cung vắc-xin eo hẹp được phân phối đến nhiều người hơn. TS Buddy Creech thuộc ĐH Vanderbilt (Mỹ) còn cho biết các vắc-xin thông thường vẫn đạt hiệu quả như dự kiến dù liều thứ hai bị trì hoãn một tháng hoặc lâu hơn khuyến cáo. “Đừng hoảng loạn. Ngay cả khi phải đợi bốn tuần, sáu tuần hay tám tuần trước khi tiêm liều thứ hai, hệ miễn dịch vẫn hoạt động tốt” - chuyên gia này chia sẻ, theo tờ The Miami Herald.

Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận rõ ràng là việc trì hoãn quá lâu có thể gây trở ngại hậu cần khi tiêm liều thứ hai bởi người dân các nước đang phát triển đôi khi gặp khó khăn về giao thông và liên lạc để đi tiêm chủng. Bên cạnh đó, chiến lược này còn đồng nghĩa với việc các nước sẽ tốn thêm thời gian để tiêm chủng đầy đủ hai liều cho người dân.

Trả lời đài NBC, TS Diane Griffin thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) giải thích lý do lớn nhất của việc tiêm liều thứ hai là để khả năng miễn dịch được nâng lên mức đủ cao, giúp mọi người tự tin rằng mình đã được bảo vệ và vẫn có thể phát huy tác dụng ngay cả khi tiêm sau liều đầu tới một năm. Dù vậy, bà Griffin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ sớm nhất có thể.

Trước nghiên cứu của ĐH Oxford, một nghiên cứu do Viện Y tế Mayo (Mỹ) công bố cuối tháng 5 cũng cho ra kết quả khẳng định lợi ích của việc giãn thời gian tiêm hai liều vắc-xin. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, nghiên cứu cho thấy rằng liều đầu tiên “kích hoạt” hệ thống miễn dịch của cơ thể người, cho phép nó tạo ra các kháng thể bảo vệ chống lại virus. Phản ứng đó diễn ra càng lâu thì phản ứng với liều nhắc lại thứ hai diễn ra sau đó vài tuần hoặc vài tháng sẽ càng hiệu quả. Những người trên 80 tuổi được tiêm cũng có phản ứng kháng thể cao hơn 3,5 lần nếu liều thứ hai được tiêm sau ba tháng, thay vì ba tuần. 

Nguồn: [Link nguồn]

Người dân tại TP.HCM đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 5 như thế nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sắp tới, TP xây dựng kế hoạch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN