Chớ để nang buồng trứng thành “trứng khủng long”

U nang buồng trứng là loại khối u thường gặp nhất, chiếm gần 4% các bệnh phụ khoa. Bệnh phát triển âm thầm lặng lẽ nhưng đến khi chuyển sang ác tính thì tiến triển rất nhanh.

LTS: U nang buồng trứng là loại khối u thường gặp nhất, chiếm gần 4% các bệnh phụ khoa. Bệnh phát triển âm thầm lặng lẽ nhưng đến khi chuyển sang ác tính thì tiến triển rất nhanh. BV ung bướu TP. Hồ Chí Minh năm 2015 đã phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u buồng trứng nặng 38kg và tại BV Cần Thơ cũng phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u buồng trứng nặng 32kg. Đây là hai trường hợp hy hữu đã được xác định là u buồng trứng nhưng không phẫu thuật mà điều trị thuốc Nam sau 6 đến 10 năm khối u phát triển khổng lồ gây khó khăn và nguy hiểm tính mạng khi phẫu thuật. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm khi u còn nhỏ chỉ cần phẫu thuật nội soi đơn giản hơn nhiều.  Vậy làm thế nào để nhận biết sớm u nang buồng trứng?

Ai có thể bị u nang buồng trứng?

Thông thường u nang buồng trứng có hai loại là u cơ năng và u thực thể.

Các khối u cơ năng thường chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nguyên nhân do rối loạn chức năng buồng trứng, thường do chu kỳ kinh không phóng noãn, qua nhiều chu kỳ nang noãn tăng dần kích thước thành u nang buồng trứng, loại này thường không nguy hiểm và tự mất đi.

U nang thực thể gặp ở tất cả phụ nữ, kể cả những bé gái chưa dậy thì cho đến các chị em phụ nữ sau khi mãn kinh. Thường phát triển từ các tổn thương thực thể ở buồng trứng gồm các loại u nang nước, u nang nhầy, u nang bì.

Chớ để nang buồng trứng thành “trứng khủng long” - 1

U nang buồng trứng xoắn là một trong những biến chứng thường gặp.

Dấu hiệu nhận biết

Trong nhiều trường hợp, u nang buồng trứng không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể dựa vào một số triệu chứng dưới đây để nhận biết:

Những cơn đau: có cảm giác đau sau khi quan hệ tình dục, đau ở vùng xương chậu; đau bụng lâm râm hoặc cảm giác khó chịu trong âm đạo.

Kinh nguyệt bất thường: Kinh nguyệt thường xuyên bị rối loạn, màu sắc của máu kinh nguyệt chuyển sang sẫm đen.

Bụng hơi to, tức vùng bụng: Nếu bạn thấy bụng to hơn bình thường, bạn nên theo dõi kỹ bằng cách sáng sớm ngủ dậy lấy tay ấn vào bụng xem có khối u nào cộm lên không. Nếu cảm thấy như có một trọng lượng đè xuống ở vùng bụng khiến bạn cảm thấy căng tức, khó chịu nhất là gần khu vực xương chậu thì đừng bỏ qua khả năng do u nang buồng trứng.

Những dấu hiệu khác: Có thể là xuất huyết âm đạo bất thường; khó thở, đánh trống ngực; nôn, buồn nôn... Nếu u nang lớn, lấp đầy khoang bụng, làm cho áp lực trong bụng tăng lên, ảnh hưởng đến lưu thông tĩnh mạch chi dưới, làm cho bụng căng và phù hai chân, các cơ quan trong vùng chậu bị chèn ép, gây nên đi tiểu khó, đọng nước tiểu, đi tiểu gấp hoặc đại tiện khó.

Chớ để nang buồng trứng thành “trứng khủng long” - 2

Bệnh nhân D. với khối u buồng trứng nặng 32 kg.

Biến chứng của bệnh

U nang buồng trứng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng cấp tính như: xoắn nang, chảy máu trong nang, vỡ nang, nhiễm trùng, chèn ép tiểu khung. Đặc biệt, các khối u có thể gây hiếm muộn, sẩy thai, đẻ non.

Xoắn u nang: Khi u xoắn bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, liên tục buồn nôn và nôn, mạch nhanh, huyết áp hạ, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Vỡ nang: Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau bụng đột ngột, liên tục, hạ vị và 2 hố chậu ấn đau. Một số trường hợp vỡ nang gây chảy máu trong bệnh nhân có thể bị choáng do mất máu.

Chèn ép các tạng xung quanh: biến chứng này thường muộn, khi u đã phát triển lâu, kích thước lớn. U chèn ép bàng quang gây đái dắt, chèn ép trực tràng gây táo bón, đôi khi chèn ép niệu quản gây ứ nước bể thận, thậm chí có những khối u buồng trứng rất lớn chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây tuần hoàn bàng hệ, phù 2 chi dưới, cổ trướng...

Ngoài ra, mạch máu của nang trứng bị vỡ dẫn đến u nang xuất huyết, khi đó sẽ gây đau cấp tính trong bụng (nếu ở buồng trứng phải dễ chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa); Sự rối loạn nội tiết ở buồng trứng dẫn tới kết quả là buồng trứng đa nang...

Lời khuyên của thầy thuốc

U nang buồng trứng đa phần là u lành tính nhưng vẫn có khả năng gây ác tính và có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có những biểu hiện nghi là u nang buồng trứng thì chị em nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. Nếu u nang cơ năng có thể sẽ tự mất đi nên cần theo dõi bằng siêu âm (3 tháng liền). Nếu u nang thực thể nhỏ sẽ được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi rất đơn giản. Nhưng nếu để khối u quá to sẽ gây khó khăn cho phẫu thuật (phải mổ mở), gây mất nhiều máu và có nhiều nguy cơ tổn thương đến các cơ quan lân cận. Vì vậy, chị em nên định kỳ khám phụ khoa 6 tháng-1 năm/ lần (siêu âm hoặc nội soi phần phụ) để có thể phát hiện và điều trị sớm tránh biến chứng đáng tiếc.

Hai ca u nang buồng trứng đặc biệt gần đây nhất

Ngày 27/7/2016, BV ung bướu Cần Thơ đã phẫu thuật cắt thành công khối u nang buồng trứng nặng 32kg cho chị D. 54 tuổi người Khmer, quê Hậu Giang. Trước đó 6 năm, bệnh nhân đã phát hiện khối u nhưng không phẫu thuật mà về nhà dùng thuốc Nam đến khi nguy kịch do khối u to chèn ép đe dọa tính mạng mới vào nhập viện.

Trước đó, cuối năm 2015, tại BV ung bướu TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ cũng đã phẫu thuật lấy ra khối bướu nặng 38kg (kích thước 60cm x 80cm x 100cm riêng vỏ bướu nặng 2kg, lòng bướu chứa 35 lít dịch và 3 lít máu) cho chị PTM, 49 tuổi , quê Long An. Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán sau mổ bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Bệnh nhân được phát hiện khối u buồng trứng trước đó 10 năm nhưng không đi điều trị, đến khi khó thở liên tục, không ăn uống đi lại được, đe dọa tính mạng mới đến nhập viện cấp cứu.

Sốc với khối u quái ở ổ bụng “khủng” nhất Việt Nam

Đây là khối u ổ bụng to nhất Việt Nam và một trong 5 khối u ổ bụng lớn nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS. Vũ Ngọc Anh (Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh u nang buồng trứng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN