Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu, cha mẹ cần biết

Sự kiện: Bệnh thủy đậu

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cách chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu.

Theo ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu.

Cách ly, kiểm soát tình trạng sốt và các biểu hiện kèm theo

 – Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm. Phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

 – Nếu trẻ sốt trên 38º5, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/ lần, kết hợp chườm ấm. Lưu ý khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm tan giá (không quá ấm nóng) để tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể.

 – Nếu con có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách – Không nên kiêng tắm, kiêng nước

Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn:

 – Vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng cho con hàng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.

 – Tắm cho con bằng nước ấm đun sôi để nguội (hạn chế dùng xà phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc).

Cho trẻ vào chậu nước, lấy tay té nước lên người nhẹ nhàng, dùng khăn xô mềm vỗ nhẹ lên các vùng da để làm sạch, không cọ xát mạnh gây vỡ nốt phỏng.

Sau khi tắm xong dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, thấm  nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát và có thể bôi xanh methylen, để sát khuẩn.

Chú ý bổ sung dinh dưỡng

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, không ăn kiêng, nếu trẻ đau miệng có thể cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống sữa, ăn cháo.

Nếu trẻ đang bú mẹ, vẫn cho con bú bình thường.

Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh bằng cách tiêm vắc-xin đầy đủ.

Trước khi mang thai từ 3-6 tháng mẹ nên lên kế hoạch tiêm phòng thủy đậu. Điều này không chỉ giúp mẹ phòng bệnh mà cũng ngăn chặn khả năng mầm bệnh lây sang cho trẻ. Sau khi bé chào đời, kháng thể này lại được tiếp tục phát huy qua đường sữa mẹ. Ít nhất trong 1 năm đầu đời, trẻ sẽ hạn chế nguy cơ bị thủy đậu.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủy đậu đang vào mùa, nếu không biết những điều này có ngày hối cũng không kịp

Thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng. Mọi người cần đặc biệt chú ý những điều này trong phòng tránh và điều trị bệnh thủy đậu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HỒNG ANH ([Tên nguồn])
Bệnh thủy đậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN