Ca ghép mặt lớn nhất thế giới cho lính cứu hỏa Mỹ

Các phẫu thuật viên của Mỹ cho biết họ đã thành công trong việc ghép mặt với diện tích lớn nhất thế giới, bao gồm tái tạo toàn bộ da mặt, da đầu, tai và mắt cho bệnh nhân, BBC ngày 16-11 đưa tin.

Bác sĩ phẫu thuật – Tiến sĩ Eduardo Rodriguez đã dẫn đầu một ê-kíp thực hiện ca phẫu thuật hơn 26 giờ để tái tạo khuôn mặt cho lính cứu hỏa Patrick Hardison (41 tuổi). Patrick bị thương trong lúc làm nhiệm vụ.

Ca ghép mặt lớn nhất thế giới cho lính cứu hỏa Mỹ - 1

Patrick Hardison trước và sau khi ghép mặt. Ảnh: BBC

Được biết, người hiến tặng là David Rodebaugh, 26 tuổi, từng bị thương trong một vụ tai nạn xe cộ. Ca mổ diễn ra trong tháng 8-2015. Vào thời điểm đó, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Langone thuộc ĐH New York cho biết tỉ lệ thành công của ca ghép mặt là 50:50.

Patrick Hardison bị thương khi cố gắng giải cứu một phụ nữ mắc kẹt trong đám cháy. Do trần nhà đổ sập, anh bị bỏng cấp độ 3 ở toàn bộ khuôn mặt và da đầu bị bong tróc, biến dạng.

Sau hơn 1 năm đăng ký tìm kiếm người hiến tặng, lính cứu hỏa này mới tìm được người không chỉ phù hợp về nhóm máu mà còn phải có làn da sáng, tóc nâu giống mình. Theo lời kể của trưởng ê-kíp phẫu thuật, các bác sĩ được chia thành 2 nhóm hoạt động cùng lúc: Một nhóm chuẩn bị các khâu từ người hiến tặng, một phía từ người nhận.

Ca ghép mặt lớn nhất thế giới cho lính cứu hỏa Mỹ - 2

Patrick Hardison và các con trước tai nạn

Ba tháng sau, khuôn mặt trị giá “triệu đô” của Patrick Hardison đã thành hình mặc dù anh phải uống thuốc chống thải ghép trong suốt phần đời còn lại nhằm ngăn chặn hệ thống miễn dịch từ chối bộ phận được cấy. Theo ước tính của Tiến sĩ Rodriguez, trên thế giới có khoảng 5 bệnh nhân đã qua đời sau khi các mô mới bị cơ thể từ chối. Tính đến nay đã 93 ngày sau ca ghép mặt, sức khỏe Hardison tiến triển khá tốt.

Ngoài tái tạo khuôn mặt, ca phẫu thuật cũng khôi phục lại mí mắt, đầu tóc, lông mày, râu và đôi tai cho Patrick. Tuy nhiên, cựu lính cứu hỏa này cũng cần phải trải qua vài ca phẫu thuật nhỏ nữa trong vài tháng tới để loại bỏ phần da thừa quanh môi, mắt.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 16-11, Hardison gửi lời cảm ơn sâu sắc đến người hiến tặng và đội ngũ phẫu thuật. “Họ đã cho tôi nhiều thứ hơn là một khuôn mặt mới. Họ cho tôi một cuộc đời mới”, anh nói.

Năm 2005, một phụ nữ Pháp tên Isabelle Dinoire trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép mặt cục bộ. Bà bị thương nghiêm trọng trên khuôn mặt do chó nhà cắn. Kể từ đó đến nay, hơn 20 bệnh nhân khác đã được ghép mặt từng phần hay toàn phần tại các bệnh viện trên toàn cầu. Trong năm 2010, một nông dân Tây Ban Nha đã trở thành người đầu tiên được ghép nguyên vẹn khuôn mặt. Tuy nhiên, ca phẫu thuật chỉ thay thế phần mặt với mũi, đôi môi, không bao gồm tai và da đầu.

Ca ghép mặt lớn nhất thế giới cho lính cứu hỏa Mỹ - 3

Patrick Hardison thời trai trẻ

Tiến sĩ  James Partridge, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Thay đổi Khuôn mặt của Anh, cho biết điều đáng lo ngại nhất là sự thay đổi bề ngoài có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân. “Đó là những vấn đề về đạo đức mà chúng ta không lường trước được đằng sau một ca cấy ghép thành công. Do đó, cuộc hành trình của Hardison chỉ mới bắt đầu”, ông nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo H.Nhiên (Người lao động/BBC)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN