Bị vợ bỏ vì bệnh vảy nến

Ông Nguyễn Văn Nam, 60 tuổi ở Nam Định bị bệnh vảy nến đã 27 năm. Kể từ khi ông mắc bệnh cũng là lúc vợ con ông bỏ đi vì họ nghĩ ông mắc căn bệnh thế kỷ, HIV- AIDS.

Ông Nam bị bệnh vảy nến gần 30 năm, đến nay bệnh vẫn chưa khỏi. Ông cho biết, các bác sĩ không thể tìm ra căn nguyên gây bệnh này. Từ ngày ông Nam bị bệnh, vợ con ông bỏ đi vì họ không dám đến gần. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi bị bệnh cách đây 30 năm, đất cát bán hết để lấy tiền điều trị. Mỗi đợt tôi điều trị bệnh cũng mất từ 30-40 triệu”.

Cũng trong tâm trạng lo lắng vì sợ chồng con sẽ bỏ mình vì căn bệnh này, chị Thu Hà, 29 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Mình bị bệnh vấy nến đã 10 năm nay, chữa trị cũng nhiều nhưng chẳng khỏi. Mình đã có chồng, có con nhưng nhiều lúc rất ngại phải giao tiếp với mọi người vì sợ họ nhìn thấy các điểm đóng vẩy trên đầu, người, thậm chí các móng chân gần như thối hết, bàn tay co quắp lại... Bản thân không làm được việc gì giúp gia đỡ gia đình. Mình chỉ sợ chồng con sẽ bỏ vì căn bệnh này”.

Bị vợ bỏ vì bệnh vảy nến - 1

Bệnh vẩy nến gây tổn thương da, ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ. (Ảnh: Thu Trịnh)

Trên thực tế, những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến đang điều trị tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương đều trong tâm trạng lo lắng vì biến chứng của căn bệnh này. Qua tìm hiểu, điều bệnh nhân vảy nến sợ nhất chính là tính thẩm mỹ. Chị Lan 35 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội ngậm ngùi: “Bệnh của tôi có lúc phát trên da đầu, bóc ra từng mảng trắng, ngứa ngáy thậm chí bốc mùi hôi khó chịu, nhiều người không dám ngồi cạnh ăn cơm. Tôi chỉ mong có cách giảm bớt hoặc điều trị dứt điểm căn bệnh này”.

Trao đổi với chúng tôi về căn nguyên của bệnh, BS Trần Hồng Trường – Chủ tịch Chi hội Vẩy nến Việt Nam cho biết: “Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính, tái đi tái lại, không lây xảy ra do tình trạng tăng sinh của lớp tế bào thượng bì ở da. Đối với da người bình thường thời gian đổi mới của tế bào thượng bì là khoảng 4 tuần, đối với da người bị vảy nến thời gian này giảm xuống còn 4 ngày đến 1 tuần. Kết quả da người bệnh sẽ có những mảng đỏ và nhiều lớp vảy nằm trên mảng đỏ đó.

Bệnh vảy nến chiếm khoảng 2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi thường khởi phát ở lứa tuổi 30- 40. Bệnh xảy ra ở mọi giống người, nam nữ đều có khả năng mắc bệnh như nhau. Người lớn thường bị bệnh hơn trẻ em. Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được tìm ra. Nhiều nghiên cứu cho rằng sự bất thường về miễn dịch là nguyên nhân chính gây bệnh. Thêm vào đó các yếu tố như di truyền, xáo trộn sinh hóa, chấn thương tâm lý, nhiễm siêu vi, sử dụng thuốc ức chế Beta điều trị cao huyết áp... làm thúc đẩy phát sinh bệnh vảy nến”.

BS Trường còn cho biết, bệnh vảy nến mang đến sự khó chịu, ngứa ngáy, đau đớn tại các tổn thương trên da gây nứt và chảy máu. Những người mắc căn bệnh này thường có cảm xúc bối rối, xấu hổ và thường che dấu làn da của mình để tránh dị nghị của những người không có thông tin về căn bệnh này. Bản thân ông cũng chứng kiến không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhầm lẫn bệnh vảy nến với các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh phong, bệnh giang mai thậm chí cả HIV/AIDS. Từ những điều này khiến bệnh nhân bị trầm cảm, thất vọng chán nản, nghiện ngập và tử vong sớm.

Nói về khả năng chữa trị căn bệnh vảy nến ông Trường khẳng định: “Có nhiều phương pháp điều trị vảy nên nhưng hiện vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ, tạo điều kiện cho bệnh nhân chung sống tốt nhất”.

BS Trường nhấn mạnh: "Bệnh vảy nến là bệnh không lây vì thế cộng đồng không nên e ngại khi tiếp xúc với người bệnh. Sự hòa nhập, không kỳ thị của cộng đồng là điều quan trọng giúp bệnh nhân giảm gánh nặng bệnh tật".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN