2 bài thuốc bổ khí, dưỡng huyết của Hải Thượng Lãn Ông
Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: “Khí thuộc dương, khi thai nhi trong bụng mẹ được khí huyết của mẹ nuôi dưỡng.
Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: “Khí thuộc dương, khi thai nhi trong bụng mẹ được khí huyết của mẹ nuôi dưỡng. Sau khi sinh ra được thức ăn đồ uống nuôi dưỡng. Khi ăn uống vào vị (dạ dày), vị làm chín nhừ thức ăn, các tinh chất đó được vận hóa xuống tiểu tràng (ruột non) thanh trọc biến thành khí. Khí ấy được chuyển sang tỳ (tuyến tụy) hóa thành tinh khí, tinh khí được nạp vào thận gọi là tinh - “thận tàng tinh”. Tinh ấy được thận hóa thành chính khí và nguyên khí.
Chính khí được đưa lên phế (phổi) kết hợp với khí trời biến thành tông khí, được trở lại chứa trong phế gọi là đại khí. Đại khí được chia thành 2 loại: dinh khí và vệ khí. Dinh khí đi trong huyết quản dẫn huyết đi nuôi cơ thể; vệ khí được lưu lại trong tạng phủ, cơ bắp, da thịt để bảo vệ cơ thể. Nguyên khí được lưu lại trong thận để sinh ra huyết, xương, tủy, sinh ra tinh khí (tinh dịch và tinh trùng đối với nam, âm dịch và trứng đối với nữ). Sau đây, xin giới thiệu 2 bài thuốc bổ khí dưỡng huyết in trong bộ Hải Thượng Lãn Ông để bạn đọc tham khảo. Bài Bổ dương thoái lao thang: bạch truật 8g, cam thảo (chích) 2g, đại táo 3 quả, hoàng kỳ 12g, mạch môn 4g, ngũ vị tử 1,2g, nhân sâm 8g, qui thân 6g, trần bì 3,2g.
Bài thuốc có tác dụng bổ dương khí, trị chứng dương khí của phế, thận đều hư dẫn đến hư lao sinh chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn ngủ kém, sợ lạnh… Cách dùng: ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.
Vị thuốc bạch truật trong bài thuốc có tác dụng bổ ích khí, hòa tỳ vị, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt sinh tân dịch.
Tác dụng của các vị thuốc: Bạch truật vị ngọt đắng tính ôn vào kinh tỳ, vị, có tác dụng bổ ích khí, hòa tỳ vị, kiện tỳ, trừ thấp nhiệt sinh tân dịch. Cam thảo vị ngọt tính bình vào 12 kinh lạc có tác dụng nhuận tỳ bổ phế, ích tinh huyết, điều hòa các vị thuốc trong bài. Đại táo vị ngọt tính bình vào kinh tỳ vị, có tác dụng bổ trung ích khí, dưỡng tỳ hòa vị. Hoàng kỳ vị hơi ngọt tính ấm vào kinh phế, tỳ có tác dụng bổ khí cố biểu. Mạch môn vị ngọt hơi đắng tính hàn vào kinh tâm, phế, vị, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều hòa phế khí, dưỡng vị khí để sinh tân dịch. Ngũ vị tử vị chua tính ôn vào kinh phế và thận có tác dụng bổ phế khí, điều hòa thận khí, trị chứng di tinh. Nhân sâm vị ngọt hơi đắng tính hàn (sâm Trung Quốc) tính ôn (sâm cao ly) vào kinh phế thông với 12 kinh lạc có tác dụng đại bổ nguyên khí. Qui thân vị cay hơi ngọt đắng thơm, tính ấm vào kinh tâm, can, tỳ có tác dụng bổ huyết hoạt huyết nhuận táo. Trần bì vị đắng cay tính ôn vào phần khí của hai kinh phế và tỳ có tác dụng điều hòa phần khí trong cơ thể, tiêu đờm, tán hàn thông khí trệ.
Bài Bổ dương tiếp âm phương: bạch truật (sao hoàng thổ) 60g, sâm bố chính (sao với gạo) 40g, nếu không có sâm bố chính dùng bạch sâm cao ly, chích thảo 2g, phụ tử (chế) 6g, thục địa 40g, bào khương (gừng đã luộc) 3 lát.
Bài thuốc có tác dụng: Đại bổ khí, dưỡng huyết trị chứng hư lao, sợ lạnh, ho hen, đờm dãi tắc nghẽn ở họng và chân thủy không thông lợi, cơ thể đen gầy, ăn ngủ kém, tiểu tiện bí hoặc đái dắt, đại tiện phân lỏng. Cách dùng: ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn, hoặc lúc đói.
Tác dụng của các vị thuốc trong bài: Bạch truật sao hoàng thổ bổ tỳ vị, trị nôn mửa, bụng trướng đầy, an thai, sao với mật bổ tỳ nhuận phế (phổi). Nhân sâm: vị ngọt hơi đắng, tính ôn, vào kinh phế thông với 12 kinh lạc, có tác dụng đại bổ nguyên khí. Chích thảo vị ngọt tính bình vào cả 12 kinh lạc có tác dụng bổ tỳ, nhuận phế, ích tinh, điều hòa khí lực của các vị thuốc. Phụ tử (chế): vị cay ngọt, tính đại nhiệt vào 12 kinh lạc, có tác dụng bổ hỏa, tán hàn, trừ thấp, hồi dương cứu nghịch, trị chứng dương khí thoát, tay chân quyết lạnh, đau vùng tim và vùng bụng do hàn, trị chứng phong hàn tê thấp. Thục địa: vị ngọt tính hơi ôn vào các kinh tâm can thận, có tác dụng tư âm dưỡng huyết, bổ thận tráng thủy, trị chứng âm hư huyết suy. Bào khương: vị cay đắng tính đại nhiệt trị chứng hàn tích trong tạng phủ, làm ấm nguyên dương của tỳ thận để sinh huyết, chỉ huyết, giảm đau.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng
Theo y học cổ truyền, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; Có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt giải biểu, lợi thấp.