Quay cuồng trong “cơn lốc” xăng tăng giá, loạt tài xế công nghệ nói gì?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá xăng liên tục tăng cao liên tiếp đã ảnh hưởng đến thu nhập, nhiều tài xế taxi công nghệ không ngừng than vãn, thậm chí nhiều người phải tạm ngưng chạy vì ‘thu không đủ chi’.

Chỉ mong kiếm đủ ăn

Anh Điển (quê Nam Định) - một lái xe công nghệ chuyên ship đồ ăn tại Hà Nội than thở: “Mấy đợt xăng tăng giá mạnh làm giới shipper chúng tôi rất khổ sở vì thu nhập giảm mạnh 30 - 40%, thậm chí có những thời điểm tính ra càng chạy càng lỗ”.

Anh Điển cho hay, mỗi cuốc xe trung bình mất 40 phút tới một tiếng đồng hồ, sau khi trừ các chi phí thì chỉ dư được khoảng 10.000 đồng. Mấy ngày nay, anh chạy cả ngày cũng chỉ đủ tiền đổ xăng và ăn uống chứ không còn đồng nào để nuôi vợ con.

Những lái xe công nghệ thu nhập giảm mạnh do giá xăng tăng mạnh 

Những lái xe công nghệ thu nhập giảm mạnh do giá xăng tăng mạnh 

Một số tài xế công nghệ khác cũng chia sẻ: “Xăng tăng giá liên tiếp khiến đồ ăn uống cũng tăng theo, hàng hóa bây giờ giá trên trời hết. Ổ bánh mì cũng đã tăng thêm 5.000 đồng, suất bún đậu ngoài chợ cũng tăng. Cố gắng ăn tiêu tiết kiệm may ra đủ ăn chứ không thể dư dả được, nhưng vẫn phải chạy vì không làm thì chưa biết làm việc gì lúc này”.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên các hội, nhóm taxi công nghệ tại Hà Nội, nhiều tài xế cho biết tạm thời nghỉ chạy qua ứng dụng trong lúc giá xăng tăng lên quá cao.

Anh Tuấn Anh, tài xế GrabCar nói rằng đây là "thời điểm khó khăn nhất" kể từ khi anh bắt đầu chạy taxi công nghệ năm 2018.

"Trước đây, ví dụ một ngày chạy xe được một triệu đồng, sau khi trừ chiết khấu nộp cho hãng và tiền xăng, tôi vẫn có thể cầm về 500.000-600.000 đồng, chưa tính thưởng. Nay giá xăng tăng cao, tôi chỉ thu về được khoảng 400.000 đồng", anh nói và cho biết nếu trừ thêm 100.000 đồng tiền ăn coi như chỉ còn 300.000 đồng.

Anh này nói thêm, có những chuyến xe đi vào giờ tắc đường, hay lúc đường phố Hà Nội ngập lụt, coi như chạy không công. Các tài xế cũng hạn chế chạy lòng vòng các tuyến phố để chờ nổ cuốc xe như trước nhằm tiết kiệm xăng, nên nhiều khu vực ngoài trung tâm cũng khó đặt hơn.

Ngoài ảnh hưởng của xăng tăng giá, tài xế chạy xe công nghệ gần đây giảm đi bởi trải qua đợt dịch năm ngoái, một số người đã chuyển về quê hoặc tìm các công việc khác và bán xe để trả nợ ngân hàng...

Anh Đặng Hiệp, tại Đông Anh (Hà Nội) cho biết anh đang trả góp ngân hàng khoảng 200 triệu để mua ô tô chạy taxi, trung bình mỗi tháng anh Hiệp phải trả ngân hàng gần 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, tài xế này ước tính với giá xăng hiện tại thì khá khó khăn để có thu nhập hơn 10 triệu mỗi tháng sau khi trả tiền ngân hàng, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh để “nuôi” chiếc xe. Vì vậy, anh đang rao bán xe để tất toán nợ ngân hàng, trả tiền người thân.

Trong khi đó, anh Ngọc Sơn, tài xế taxi công nghệ có 5 năm kinh nghiệm, cho rằng một số người không còn mặn mà chạy xe qua ứng dụng vì phải trả chiết khấu cao, họ có thể sử dụng các hình thức khác như chạy xe tiện chuyến, chạy tỉnh hay sân bay.

"Gần đây, có nhiều ứng dụng đặt xe tiện chuyến cho cả lái xe sử dụng để giảm chiết khấu phải trả cho các hãng taxi công nghệ. Nhu cầu đi du lịch phục hồi cũng tạo cơ hội cho nhiều tài xế chạy dịch vụ đưa đón sân bay", anh Sơn cho biết.

Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng chật vật

Không chỉ lái xe gặp khó, hầu hết doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xác nhận biến động giá xăng dầu thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của tài xế. Gojek đánh giá chi phí hoạt động của tài xế tăng trung bình 10-15% vì giá xăng.

Tuy nhiên, Gojek và Grab – 2 đơn vị đang chiếm thị phần gọi xe hàng đầu thị trường - lại khẳng định lượng tài xế vẫn tăng trưởng. "Lượng tài xế GoCar đăng ký mới trong tháng 5 tại Hà Nội tăng gấp đôi tháng trước, còn ở TP HCM tăng 20% trong một tháng qua", Gojek nói.

Các hãng xe công nghệ đã có những động thái hỗ trợ để giữ chân các tài xế

Các hãng xe công nghệ đã có những động thái hỗ trợ để giữ chân các tài xế

Để chia sẻ khó khăn và thu hút lực lượng tài xế trước các đợt “bão giá” xăng, các hãng xe công nghệ đã có những động thái hỗ trợ mạnh tay. Hãng Gojek cho biết có nhiều chính sách thưởng tài xế, trong đó có chương trình áp dụng với tài xế GoCar tại Hà Nội và TP HCM mỗi ngày chỉ cần chạy đủ 10 chuyến. Nếu doanh thu và thưởng không đủ một triệu đồng, Gojek sẽ tự hỗ trợ thêm cho đủ.

Ngoài ra, hãng này cũng kiến nghị sự hỗ trợ từ chính phủ dành cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics... do các ngành này đang chịu ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng. Theo đó, hãng mong muốn nhà nước xem xét miễn giảm một số loại thuế phí như phí đăng kiểm, phí đường bộ... cũng như có cơ chế ưu đãi hoặc hoãn, giảm, miến thuế thu nhập cá nhân kinh doanh (1,5%) trên doanh thu với các tài xế.

Tương tự, hãng Be mới đây cũng cho biết đã hỗ trợ tiếp tục giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương & Đồng Nai, đồng thời tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung...

Không chỉ taxi công nghệ, taxi truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn với mức giá xăng dầu hiện nay. Cuối tháng rồi, trước nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải phá sản sau 4 đợt dịch, Hiệp hội Taxi ba miền đã kiến nghị Thủ tướng sớm có giải pháp hỗ trợ các hãng taxi như miễn thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, giảm 50% phí trước bạ cho ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải hay các chương trình cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại nợ...

Nhiều hãng taxi truyền thống cũng phải đối mặt với tình trạng tài xế liên tục xin nghỉ việc. Thậm chí, một số doan nghiệp đang có đến vài trăm taxi không có tài xế để vận hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Xăng tăng giá phi mã: Đổ đầy bình xăng gần 4 triệu, chủ xế hộp “đau ví” đăng đàn than vãn

Giá xăng dầu đồng loạt tăng cao, nhiều chủ xe choáng khi nhìn hóa đơn mua xăng, dầu bất ngờ cao hơn hôm trước đến vài trăm nghìn đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN