Mỗi hộ dân phải trả thêm bao nhiêu tiền khi EVN tăng giá điện 3%?

Sự kiện: Giá điện tăng cao

Với hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng - nhóm khách hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất của EVN sẽ phải trả thêm hơn 11.000 đồng/hộ sau khi giá điện tăng từ ngày hôm nay (4/5).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 377 ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Tại buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện chiều nay (4/5), đại diện EVN cho biết hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

Mỗi hộ dân phải trả thêm bao nhiêu tiền khi EVN tăng giá điện 3%? - 1

Với 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi, giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Theo ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc EVN, mức tăng giá này phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN.

Năm nay còn 8 tháng, doanh thu tập đoàn tăng thêm cỡ khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN. Trước đó theo báo cáo của Bộ Công Thương hôm 31/3, EVN đã lỗ hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Ông Nam cho biết tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN và tập đoàn cũng đã có các giải pháp nội tại như: tiết giảm chi phí; tiết kiệm điện và huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ.

Bên cạnh đó, EVN cũng sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… chia sẻ khó khăn, có thể giảm giá bán đầu vào để giảm thiểu chi phí. Cùng đó, đàm phán các nhà đầu tư có nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo để có đảm bảo hài hòa lợi ích EVN và chủ đầu tư….

Nguồn: [Link nguồn]

Cây dại mọc tua tủa sau mưa, trước cho lợn ăn nay hóa ”mỏ vàng”, thành đặc sản nổi tiếng

Loại rau này nếu bón phân hay hóa chất rau sẽ bị sốc mặn và chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thu Huyền ([Tên nguồn])
Giá điện tăng cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN