“Lạ lùng” thị trường xăng dầu

Tình trạng các cửa hàng bán lẻ hết xăng dầu ngày một gia tăng dù Bộ Công thương luôn khẳng định đủ nguồn cung, không khan hiếm...

Xăng dầu không thiếu, sao vẫn treo biển hết hàng?

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, tình trạng các cửa hàng bán lẻ hết xăng dầu ngày một gia tăng dù Bộ Công thương luôn khẳng định đủ nguồn cung, không có hiện tượng khan hiếm hàng.

Tình trạng này cũng đã ghi nhận ở một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Nhiều phản ánh cho thấy, các cây xăng ở vùng ngoại thành Hà Nội đã hết dầu diesel trong mấy ngày qua, khiến cho một số doanh nghiệp vận tải, máy móc công nghiệp bị dừng hoạt động, hoặc họ phải mua với giá cao từ "cò"...

Trong chiều nay, Cục QLTT TP.Hà Nội cũng đã hỏa tốc yêu cầu tăng cường kiểm soát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dịp lễ 2/9.

Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng, ngưng hoạt động, đóng cửa, Cục QLTT yêu cầu phải “đo bồn, bể” để xác định lượng hàng tồn kho;

Đồng thời xác minh, làm rõ cụ thể lý do, nguyên nhân tạm dừng, ngưng hoạt động.

Tối 30/8, Cục quản lý thị trường (Cục QLTT) tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 40 cơ sở xăng dầu treo biển hết xăng.

Theo đơn vị này, từ ngày 25 đến nay, phản ánh của người dân, Sở Công thương cho thấy có tình trạng các cửa hàng tạm ngưng hàng loạt; Thông báo hết xăng dầu; Bán giảm số lượng, nhỏ giọt…

Một cây xăng ở Hà Đông (Hà Nội) hết dầu từ chiều qua, tình trạng nhập hàng khó khăn do thương nhân phân phối không có nguồn hàng

Một cây xăng ở Hà Đông (Hà Nội) hết dầu từ chiều qua, tình trạng nhập hàng khó khăn do thương nhân phân phối không có nguồn hàng

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, chưa cung cấp kịp thời và quan trọng là hoa hồng thấp, hoạt động thua lỗ nên các doanh nghiệp xăng dầu không mặn mà trong việc kinh doanh, mua hàng về để bán.

Cục QLTT An Giang đánh giá, thời gian qua hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến khá phức tạp, trong đó tình trạng đóng cửa tạm dừng hoạt động, mở cửa nhưng thông báo hết xăng dầu, bán nhỏ giọt... ngày càng phổ biến và gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.

Cùng ngày, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, đến 15h ngày 30/8, đã có 31/168 cửa hàng đang hết xăng dầu. Nguyên nhân là “chưa chuyển hàng về kịp”.

Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 100 cửa hàng xăng dầu chỉ được các đầu mối chia theo sản lượng bình quân của ba tháng chứ không phải cửa hàng đặt chừng nào được cung ứng chừng đó...

Cửa hàng trực tiếp dẫn chứng cột bơm dầu và kho chứa, cho thấy "hết hàng chứ không găm hàng"

Cửa hàng trực tiếp dẫn chứng cột bơm dầu và kho chứa, cho thấy "hết hàng chứ không găm hàng"

Chưa hết, 25 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng vừa đồng loạt ký văn bản khẩn gửi Bộ Công thương và các ban ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề bất cập trong kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, các doanh nghiệp cho biết, hiện với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu hiện nay chỉ 0 đồng, có nơi 200 đồng. Mức này không đủ để đại lý duy trì hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, họ cũng đang khó khăn do nguồn cung cũng rất hạn chế.

“Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép”, các doanh nghiệp bày tỏ và đặt vấn đề: “Vậy sao Nhà nước không bù lỗ cho các cửa hàng bán lẻ tư nhân?”.

Họ giải thích rằng, kinh doanh thì lời lỗ là chuyện bình thường, nhưng họ lỗ nhiều quá từ thời điểm giá biến động mạnh, không thể trụ nổi thì biết kêu ai, trong khi, các doanh nghiệp Nhà nước thì có Nhà nước bù lỗ.

“Cửa hàng chỉ được lấy một mối, nhưng “găm” ở đâu lại không tìm ra”

Trước tình trạng trên, mấy ngày qua Bộ Công thương cũng đã liên tiếp mở các cuộc họp nóng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh: “Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ”. Đó là điều mà cả người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều muốn biết lúc này.

Một doanh nghiệp chia sẻ với Báo Giao thông, ai cũng thấy được tình trạng thiếu hàng ở các cửa hàng bán lẻ, nhưng khó hiểu ở chỗ “Cửa hàng chỉ được lấy một mối, nhưng “găm” ở đâu chả nhẽ cơ quan chức năng lại không tìm ra”.

Vị này cho hay, theo quy định, một cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy từ một thương nhân phân phối hoặc một thương nhân đầu mối duy nhất. Do đó, việc “truy vết” nguồn hàng thiếu ở đâu “rõ như ban ngày”.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, đây là một trong những quy định cũng đang thể hiện sự bất hợp lý, dẫn đến những lộn xộn trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Đơn cử, cửa hàng chọn thương nhân cung cấp hàng, và ký hợp đồng trong vòng 5 năm, và chỉ được phép nhập hàng từ nguồn này.

Một doanh nghiệp rải nhựa đường giao thông cho biết, đi khắp thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) không mua được dầu về chạy máy, có nơi năn nỉ mãi mới mua được 500 nghìn đồng

Một doanh nghiệp rải nhựa đường giao thông cho biết, đi khắp thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) không mua được dầu về chạy máy, có nơi năn nỉ mãi mới mua được 500 nghìn đồng

“Như vậy, nếu thương nhân đó không có hàng cũng không thể lấy nơi khác; Bị ép giá, chiết khấu... cũng đành chịu”, vị thương nhân nói.

Một điểm khác nữa cũng có thể khiến nguồn cung khan như hiện nay là sự bất cập của thương nhân phân phối. Ví dụ bình thường các cửa hàng bán lẻ tiêu thụ 100 khối/tháng, nhưng thương nhân phân phối cung cấp hàng chỉ ký hợp đồng cố định với một đầu mối khoảng 50% lượng tiêu thụ, còn 50% còn lại mua “chộp giật” những nơi có hoa hồng cao.

Dẫn đến, trong tình cảnh như hiện nay, kinh doanh xăng dầu lỗ, các đầu mối ngoài hợp đồng không cung cấp xăng dầu nữa, đại lý bán lẻ cũng không thể làm khác.

Từ bất cập đó, các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến.

Qua đó, họ kiến nghị: Nhà nước nên cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều đơn vị đầu mối để vừa tăng sức ép cạnh tranh vừa đáp ứng nguồn hàng.

Đồng thời, bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh xăng dầu.

Ngoài ra, họ cho rằng, nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống thì không nhập hàng, làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra như tình trạng hiện nay.

Các DN cũng đề xuất phải điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động (hiện nay mức chiết khấu có khi bằng 0)...

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ mọc hoang ở Việt Nam xưa nghèo đói đào củ về ăn, nay dân trồng thu tiền tỷ

Từng là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, trước kia đói kém người dân đào về ăn, nay trở thành cây trồng chủ lực mang về nguồn thu nhập cho người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Bùng phát cúm gia cầm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN