Tiếng cười dễ dãi trong Hài Tết 2014
Thị trường Hài Tết đang rơi vào tình trạng “số lượng vượt trội chất lượng”.
Cách đây vài năm, hài Tết là 1 món ăn tinh thần không được ưa chuộng đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi “món ăn” này ngày càng trở nên phổ biến thì sự háo hức của người xem cũng giảm hẳn.
Lý do rất đơn giản, thị trường hài Tết đang “nhảm hóa”, “số lượng hóa” thay vì “chất lượng hóa”. Cái cười “công nghiệp” đang dần biến những nhà làm phim trở nên dễ dãi khi đầu tư vào sản phẩm của mình.
Hài Tết 2014: Nhạt, nhảm
Có thể nói, năm 2013 là 1 năm có rất nhiều sự kiện xã hội có thể trở thành chất liệu đắt giá để xây dựng nội dung phim hài Tết. Tuy nhiên, bàn tay nhào nặn của các đạo diễn, biên kịch đã “làm không tới”. Hoặc, do xu hướng “hài nhảm” đã khiến họ đưa ra những sản phẩm đáng thất vọng.
Ở một số phim hài Tết như Đại gia chân đất, Làng ế vợ, Răng của ai, Bao Chảnh gỡ án… khán giả dường như bị cù mà không thể cười nổi vì nội dung phim quá “nhạt”.
Đạo diễn Trần Bình Trọng từng chia sẻ: “Tôi không muốn phim hài mà cứ phải đưa vào những tư tưởng nặng nề, khán giả xem thì sẽ rất mệt mỏi. Phim của tôi sẽ vui vẻ và nhẹ nhàng thôi.” Tuy nhiên, người ta không thấy được cái “chất” của sự nhẹ nhàng trong những phim hài của hãng phim Bình Minh. Thay vào đó, người ta thấy Đại gia chân đất ngày càng “nhảm”, “nhạt” và câu khách bằng “chân dài”, bằng những chi tiết lố lăng, phản cảm.
Với tiểu phẩm Làng ế vợ, Chiến Thắng cùng Ê-kip đã thu được khá nhiều tiếng cười của khán giả. Tuy nhiên, đó lại là cái cười “công nghiệp”, cái cười “bị cù”. Nội dung không mấy hấp dẫn, loanh quanh chuyện “trai làng ta quyết giữ gái làng ta”bằng những “chiêu bẩn”. Đặc biệt, chất liệu để Làng ế vợ gây ấn tượng với khán giả lại là những câu nói xuồng xã, có phần thô thiển, vô duyên: “Tông môn nhà mày!”, “Con chó kia, bố mày thấy yêu mày rồi đấy!”, “Xóm Đình có mỗi em Hồng/Trông thì khỏe mạnh, nhưng… mông không tròn”…
Cũng rơi vào tình trạng “hài nhảm”, “hài nhạt” là 2 tiểu phẩm Răng của ai và Bao Chảnh gỡ án. Mặc dù những phim hài này quy tụ khá nhiều danh hài “cỡ bự”, song điều đó lại càng khiến khán giả thất vọng vì chất lượng của bộ phim.
Ở Bao Chảnh gỡ án, Chí Trung và Vân Dung không thể khiến khán giả bật cười thích thú như họ đã từng làm trong các chương trình hoặc tiểu phẩm khác. “Thương hiệu” của họ không đủ để “lấp liếm” cho 1 tiểu phẩm hài nhạt nhẽo và có cốt truyện quá đơn giản. Chỉ từ việc bà mõ nghe nhầm, mà quan huyện phải điều hẳn 1 đội quân đến bao vây nhà nọ. Và sau khi người chồng trở về, hiểu lầm được giải thích và…huề cả làng.
Còn với Răng của ai, người xem có cảm giác Xuân Hinh và Hồng Vân thực chất đang đóng 1 clip quảng cáo cho 1 trung tâm nha khoa chứ không phải diễn hài Tết.
Hotgirl Mai Thỏ cũng tham gia đóng phim hài Tết
Tạo hình "đáng sợ" của Lan Phương trong Cổ tích thời @
Trong 1 số tiểu phẩm như Cổ tích thời @, Chôn nhời…, điểm sáng chính là việc nhà sản xuất đã đưa được những vấn đề của cuộc sống đương đại vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên, những chi tiết thể hiện trong phim lại có phần sống sượng, gượng gạo và đôi khi là…vô duyên.
Khai thác hình ảnh hot girl Bà Tưng, Cổ tích thời @ đã để diễn viên Lan Phương hóa trang như…diễn hề, nhảy nhót, uốn éo, “khoe hàng” như…dở hơi! Sự bóp méo hiện thực 1 cách quá đà nhằm gây cười không thực sự “duyên dáng” và hấp dẫn.
Việc đạo diễn phim Chôn nhời để Thành Trung (trong vai đầy tớ) khoe cơ bắp ngồn ngộn với những động tác gồng mình, tập võ, chống đẩy… đã khiến nhiều người cho rằng “anh Nô” đang cố tình “show hàng” hơn là đang tập luyện và làm việc.
Có thể nói, khả năng diễn xuất của các danh hài phía Bắc rất tốt, nhưng do kịch bản nhảm, mô típ cũ và kiểu làm phim thương mại dễ dãi đã khiến phim hài Tết trở thành 1 món ăn “nhiều sạn”.
Hài Tết bị lạm dụng để quảng cáo
Thêm 1 “hạt sạn” khổng lồ khiến khán giả phải “ê răng” khi xem hài Tết chính là việc đĩa hài bị lạm dụng để… quảng cáo.
Không thể phủ nhận rằng quảng cáo chính là nguồn thu nhập chính của những nhà sản xuất phim hài Tết. Một số đạo diễn phim hài Tết cho biết doanh số bán đĩa thực chất không đủ để chi trả cho chi phí sản xuất phim. Chính vì thế, việc kêu gọi quảng cáo trở thành 1 phần “thiết yếu”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi ê-kip làm phim.
Theo quy định, thời lượng quảng cáo không được chiếm quá 1/6 thời lượng của bộ phim. Thiết nghĩ, đây cũng là con số có thể “chấp nhận được” đối với khán giả xem chương trình. Tuy nhiên, đó là nếu nhà sản xuất phim tôn trọng quy định này và tôn trọng khán giả xem phim.
Thông thường, mỗi phim hài Tết có ít nhất từ 3-5 phút dành riêng cho chương trình quảng cáo. Thế nhưng, nếu chỉ bán ngần ấy thời gian cho các đơn vị tài trợ, có lẽ là không đủ đối với những nhà sản xuất phim. Chính vì thế, họ phải tìm đủ mọi cách để lồng ghép, “cài cắm” quảng cáo vào thời lượng chiếu phim.
Quảng cáo xuất hiện tràn lan trong phim hài Tết 2014
Một số độc giả bày tỏ thái độ khó chịu khi những dòng chữ quảng cáo, những logo của các đơn vị tài trợ cứ dăm ba phút lại “xoay xoay”, “chạy chạy” trên góc màn hình hoặc phía dưới màn hình. Điều đó khiến khán giả bị “nhiễu”, bị “rối mắt” khi họ đang theo dõi diễn biến của phim.
Có thể nói, đây là 1 “chiêu” rất tinh vi của các nhà sản xuất phim. Bởi, để logo nhãn hàng hoặc để slogan của đơn vị tài trợ chạy trên màn hình sẽ vẫn quảng bá được hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp đó, lại không “phạm” vào thời lượng quảng cáo cho phép.
Tuy nhiên, “chiêu bài” này vẫn chưa “độc” bằng cách để nhân vật trong phim sử dụng hoặc nhắc tới slogan, hoặc tên nhãn hàng. Đây quả thực là 1 cách quảng cáo rất thông minh nếu nhà sản xuất biết tiết chế và xử lý 1 cách tinh tế những thông điệp mà họ đưa vào phim.
Thế nhưng, họ đã quá lạm dụng “chiêu” bài này, gây cảm giác khó chịu cho người xem. Có thể kể đến tiểu phẩm Răng của ai với những câu thoại khô khan, không có chút gì là hài hước nhằm giới thiệu về một trung tâm nha khoa, về sản phẩm của một doanh nghiệp kinh doanh đồng hồ.
Thậm chí, nhân vật chính của tiểu phẩm này còn được “dẫn dắt” để xuất hiện trong sảnh chờ của 1 trung tâm nha khoa, được chính nhân viên của trung tâm này giới thiệu, tiếp thị dịch vụ của trung tâm. Rõ ràng, cả 1 đoạn phim dài hơn 4 phút chẳng có mục đích gì ngoài…quảng cáo về dịch vụ của đơn vị này.
Nhắc tới chuyện “cài cắm” thương hiệu sản phẩm vào nội dung kịch bản phim, không thể không nhắc tới tiểu phẩm Làng ế vợ. Đạo diễn dường như đã cố tình “nắn” kịch bản để tên và hình ảnh sản phẩm của nhà tài trợ chính được xuất hiện khá nhiều trong phim.
Ví dụ, trong lời hát của ông chủ quán Cây Đa, phải có đến 3 câu nói về món thạch rau câu. Hoặc trong đoạn 1 anh chàng về thăm nhà người yêu, trước mặt cả nhà, anh đã hồn nhiên rút trong túi ra 1 bịch thạch rau câu để biếu bố vợ kèm theo những lời có cánh cho sản phẩm này.
Người xem cảm thấy khó chịu vì những sản phẩm điện máy, những hãng xe khách, xe taxi… xuất hiện dày đặc trong phim một cách sống sượng, vụng về. Thâm chí, có độc giả cho rằng “không biết đang xem phim hài hay đang xem clip quảng cáo! Mà cũng chả có cái clip quảng cáo nào lại thô và kém duyên thế này!”
Vẫn biết nền kinh tế còn trong tình trạng khó khăn, tình trạng in sao đĩa lậu tràn lan sẽ gây nhiều thiệt thòi cho nhà sản xuất. Thế nhưng có nhất thiết phải “cài cắm”, thậm chí là “bóp méo” sản phẩm nghệ thuật của mình chỉ vì sợ lỗ? Đã đến lúc các đơn vị sản xuất cần chú ý hơn tới cảm giác của khán giả - đối tượng phục vụ chính của họ.