Hài tết 2014: Nhạt,nhảm và dung tục
Đến hẹn lại lên, những đĩa hài Tết Xuân Giáp Ngọ lại được nhà sản xuất bung ra với những “Chôn nhời”, “Cổ tích thời @”; “Tết để yêu thương” “Đại gia chân đất 4”; “Hài Xuân đặc biệt”…Thế nhưng nội dung đĩa vẫn còn dễ dãi dẫn đến hài rất nhạt, nhảm thậm chí còn dung tục.
Siêu nhảm, nhạt
Như thường lệ, cứ vào khoảng đầu tháng 1, các công ty băng đĩa và các nghệ sĩ hài phía Bắc đã ồ ạt cho ra mắt đĩa hài ngày xuân, khiến cho thị trường đĩa hài tết vô cùng sôi động. Vừa qua, Thăng Long Audio vừa tung ra bộ 3 đĩa “Tết để yêu thương”, “Cổ tích thời @” và “Chôn nhời”; Tứ Vân Media với tiểu phẩm “Bao Chảnh Vua gỡ án”. Êkíp Chiến Thắng - Quang Tèo với 2 đĩa hài có mặt đầu tiên trên thị trường, được cho là đại diện cho hài Bắc là “Làng ế vợ” và “Mèo nào cắn mỉu nào”; Hãng phim Bình Minh có seri “Đại gia chân đất 4”; nghệ sĩ hài Vượng râu với “Kỳ phùng địch thủ 2”...
Cảnh trong tiểu phẩm “Chôn nhời”.
Thế nhưng xem nội dung, chất lượng từ những đĩa hài được các nhà sản xuất bung ra, khán giả cảm thấy buồn, thất vọng vì kịch bản hài càng ngày càng trở nên siêu nhảm, siêu nhạt.Với “Đại gia chân đất 4” tiếp tục series hài về hai chàng Tích - Sự do Trung Hiếu - Quang Tèo thủ vai.
Câu chuyện khai thác các mảng tối trong showbiz, châm biếm nghề dự tiệc của sao và tư tưởng muốn nổi tiếng phải “nổi phềnh phềnh” bằng các chiêu trò.Tích và Sự vốn là huấn luyện viên bóng đá làng, bỗng dưng được nhiều người biết đến khi huấn luyện được một cầu thủ đá bóng vẹo cả cột gôn. Hai ông thông gia với ảo vọng về ánh hào quang quyết tâm thành lập một “học viện sâu bít” nhằm kiếm tiền nhanh…thì vẫn là những chiêu trò cũ chọc cười không mới. Đấy là chưa kể nhà sản xuất đã đưa cả những chân dài như hotgirl Mai Thỏ, An Tây… để tạo sự hấp dẫn, cuốn hút khán giả.
Ở đĩa hài “Làng ế vợ” kể về câu chuyện nhóm thanh niên ở làng, toàn những người bị tật như chột, câm, nói ngọng không cưa được gái làng mình nên nhất quyết bảo vệ và cấm trai làng khác sang tán. Những tình huống khiên cưỡng, chọc cười ngô nghê được tác giả đưa vào nhưng cũng không thể khiến khán giả cười nổi.
Hay tiểu phẩm hài tết “Cổ tích thời @” với những cảnh cổ trang đòi hỏi trang phục cầu kỳ, công phu, bên cạnh những gương mặt quen thuộc như: Công Lý, Nhật Cường, Văn Toản, Hồ Liên, Thanh Nhàn...Trong đó, Công Lý là một trong những nghệ sĩ khiến người hâm mộ tò mò khi xuất hiện với vai pháp sư nhằm tìm xác nạn nhân bị “thầy lang” phi tang xác.Nữ diễn viên Lan Phương thể hiện những cảnh ngả ngốn, nhảy loạn xạ, hóa trang như hề với phong cách thời trang quái đản để vào vai “cô Thẫn Thờ”- một hình ảnh biếm họa của “hiện tượng bà Tưng”… khi xem xong, khán giả không thể cười mà đọng lại là sự siêu nhạt, siêu nhảm, cho dù cả nghệ sĩ lẫn nhà sản xuất đều được ghi nhận trong việc tìm kiếm kịch bản, đưa tính thời sự vào trong tác phẩm.
Dung tục khó đỡ
Không chỉ “siêu” nhạt, “siêu” nhảm, nhiều tiểu phẩm hài còn có những lời lẽ khá “sốc” kiểu như: “Xóm Đình có mỗi em Hồng/Trông thì khỏe mạnh, nhưng... mông không tròn”; “Con chim là phải có lông/Làm người là phải có chồng mới vui”; Trong đĩa hài của một danh hài nổi tiếng, những từ ngữ “chợ búa” và “thô” như “bố mày”, “con chó”, “bỏ mẹ”, “thằng chó này” liên tục được xuất hiện nhằm nâng “tông” cho tiểu phẩm và chọc cười khán giả. Thậm chí trong tiểu phẩm “Chôn nhời” còn có những hành động rất dung tục.
Ở đoạn Quan huyện (Quang Thắng) sau khi nhậm chức đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm người hầu thân cận với tiêu chí câm nhưng không điếc. Và đến thi tuyển tại nhà Quan huyện, có hơn chục người cả ông già và bà già đến xin thi thố tài năng, có một anh chàng nông dân tên là Nô (Thành Trung) thể hiện sức mạnh bằng những thế võ uốn éo, nằm sấp, nằm ngửa… đẩy người trông cực kỳ phản cảm và dung tục, khiến người lớn xem còn đỏ mặt quay đi, nói gì đến trẻ nhỏ xem.
Trong tiểu phẩm “Chôn nhời” cứ khoảng 5 phút lại xuất hiện quảng cáo nào là thạch rau câu, lẩu nấm, nồi áp suất điện, xe đạp điện... cho đến thuốc trị viêm khớp, sỏi thận, hoạt huyết dưỡng não, siro ho... được cài cắm đủ kiểu trong kịch bản. |
Thêm vào đó là cách quảng cáo sản phẩm lộ liễu, xuất hiện với tần suất dày đặc trong các tiểu phẩm cũng khiến khán giả thấy “bội thực”. Trong tiểu phẩm “Chôn nhời” cứ khoảng 5 phút lại xuất hiện quảng cáo nào là thạch rau câu, lẩu nấm, nồi áp suất điện, xe đạp điện... cho đến thuốc trị viêm khớp, sỏi thận, hoạt huyết dưỡng não, siro ho... được cài cắm đủ kiểu trong kịch bản. Nếu tính ra, khán giả có lẽ phải giật mình vì quảng cáo phải chiếm đến 1/3 thời lượng của tiểu phẩm.
Trong tiểu phẩm “Làng ế vợ”, quảng cáo còn thô tới mức nằm cả trên cửa xe taxi, được bày chình ình trong quán cóc. Đặc biệt hơn là qua ca từ của ông chủ quán Quang Tèo: “Lại nói đến món thạch rau câu Long Hải, ăn vào ngon ngọt bổ mà lại đẹp da...”.
Trong “Tết để yêu thương - Xuân Hinh” một tập đoàn trong giới xây dựng, bên cạnh đoạn của tiểu phẩm còn lồng cả các nhãn hàng về đồng hồ. Thậm chí nghệ sĩ Xuân Hinh còn lò dò đến một trung tâm nha khoa quốc tế ở Hà Nội, biển hiệu to đùng hiện trên màn ảnh, lại có cả sự xuất hiện của nha sĩ đứng ra đảm bảo làm cho khách bộ nhá mỹ mãn.Việc mời chào được các nhà tài trợ trong thời buổi khó khăn là một việc làm không dễ, dẫu vẫn biết là thế. Nhưng quảng cáo như thế nào cho hợp lý, không quá “cưỡng bức” khán giả với những hình ảnh, lô gô, câu nói thương hiệu không chỉ xuất hiện ngoài tiểu phẩm mà cả trong tiểu phẩm. Bởi như thế mất đi giá trị của nghệ thuật và lâu dần, các sản phẩm hài tết sẽ mất khán giả.