Phim lịch sử Trung Quốc: Đánh lớn, thắng lớn

Giải mã sức hút của dòng phim lịch sử Trung Quốc, khiến khán giả 5 châu đều thích thú.

Kể từ khi nền điện ảnh Trung Quốc khởi đầu trong thập niên 1910 đến nay, dòng phim lịch sử luôn giữ được một vị trí vững chắc trong lòng người dân nội địa lẫn các khán giả quốc tế. Điều đáng ngạc nhiên là dù từng bị lấn át mạnh mẽ bởi nhiều thể loại khác như phim kinh dị, phim võ thuật (đặc biệt trong thập niên 1980), nhưng các đạo diễn Hoa ngữ vẫn luôn đặt dòng phim này lên một vị trí bất di bất dịch, không xâm phạm được.

Hầu như bất kỳ một vị đạo diễn lớn nào của Trung Quốc như Trần Khải Ca,Phùng Tiểu Cương, Trương Nghệ Mưu… đều giắt túi trong gia tài của mình vài bộ phim lịch sử.

Phim lịch sử Trung Quốc: Đánh lớn, thắng lớn - 1

Poster Xích bích (phần 2) khi ra mắt tại thị trường Hàn Quốc

Phim lịch sử - đánh lớn, thắng lớn

Một trong những điểm đầu tiên khiến các bộ phim lịch sử Trung Quốc được ủng hộ chính là sự đầu tư hoành tráng. Cách "vung tiền" hiệu quả của các nhà làm phim đã tạo ra những tác phẩm "bom tấn" về mọi mặt: bối cảnh công phu, dàn diễn viên đông đảo, hiệu ứng tuyệt vời.

Có thể kể ra một bộ phim điển hình đó chính là Đại chiến Xích Bích (Red Cliff) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Lấy bối cảnh trận thủy chiến nổi tiếng vào đầu thời Tam Quốc, Đại chiến Xích Bích có độ dài lên đến 4 giờ, được chia làm hai phần và kinh phí lên đến 80 triệu đô la Mỹ.

Với con số kỷ lục này, đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã cống hiến cho khán giả những màn đại chiến mãn nhãn, những cảnh dàn trận vô cùng công phu, khốc liệt. Kết quả đáng mừng là bộ phim sau đó đã thu về lên đến hơn 250 triệu đô la Mỹ, đồng thời gặt hái rất nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim trong và ngoài nước.

Phim lịch sử Trung Quốc: Đánh lớn, thắng lớn - 2

Cảnh phim Hậu cung Chân hoàn truyện

Ở địa hạt truyền hình, theo thống kê, Trung Quốc mỗi năm sản xuất đến gần 30.000 tập phim truyền hình, trong số đó vẫn có một phần rất lớn của dòng phim lịch sử. Thực tế đã chứng minh, phim lịch sử vẫn thu hút lượng người xem rất lớn trong vòng nhiều năm qua. Ví dụ như Hậu cung Chân hoàn truyện với 76 tập phim đã thu hút được 7 tỷ lượt xem trong mùa hè năm 2011 (trung bình 90 triệu người xem mỗi tập).

Hay như bộ ba phim truyền hình tiểu sử Triều đại Ung Chính (Yongzheng Dynasty, 1997), Triều đại Khang Hy (Kangxi Dynasty, 2001) và Triều đại Càn Long (Qianlong Dynasty, 2002) đều có mức rating (thu sóng) nằm ở mức top khi ra mắt ở cả Trung Hoa đại lục lẫn Đài Loan, Hồng Kông.

Trở lại với điện ảnh, thử lấy một ví dụ khác "hàn lâm" hơn trong quá trình sản xuất là Đại nghiệp kiến quốc, bộ phim được sản xuất vào năm 2009 để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Phim lịch sử Trung Quốc: Đánh lớn, thắng lớn - 3

Poster "Kiến quốc đại nghiệp"

Khi dự án này vừa mới ra mắt, nhiều khán giả đã thấy lo cho số phận của bộ phim bởi nội dung dự kiến sẽ khá khô khan với những câu chuyện xoay quanh chiến tranh Trung – Nhật và quá trình thành lập nhà nước Trung Quốc năm 1949. Có lẽ, vì biết được hạn chế về mặt nội dung nên cá nhà sản xuất đã rất thông minh khi quỵ tụ một dàn diễn viên vô cùng đông đảo vào bộ phim này, góp phần thu hút khán giả.

Rất nhiều ngôi sao ở cả Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông như Đường Quốc Cường, Lưu Kính, Trần Khôn, Chân Tử Đan, Hoàng Hiểu Minh, Chương Tử Di, Lưu Đức Hoa, Lý Liên Kiệt, Lê Minh… đều nhận lời tham gia bộ phim này, thậm chí một số người còn không lấy thù lao.

Ngay cả đạo diễn Phùng Tiểu Cương, Trần Khải Ca cũng tham gia phim trong một vai nhỏ nhằm góp vui. Và kết quả thu lại đã vượt quá mong đợi, bộ phim chỉ thực hiện với kinh phí khoảng 10 triệu đô nhưng đã thu về con số gấp 6 lần như thế, khoảng 62,5 triệu đô.

Nhiều cải biên – không trùng lặp

Một trong những điểm mạnh khác của dòng phim Trung Quốc chính là sự sáng tạo của các nhà làm phim, biên kịch dựa trên sự thật lịch sử. Có lẽ do thói quen và cũng là do cơ chế, nên phim lịch sử Trung Quốc thường ít bị áp lực bám sát vào sự thật, điều này một phần lớn cũng là do nên văn hóa Trung Hoa sở hữu nhiều cây bút, nhà văn đã sẵn trí tượng tượng và viết ra nhiều tác phẩm độc đáo, tạo tiền đề để các nhà làm phim dựa vào và chuyển thể.

Một ví dụ điển hình không thể không nhắc đến chính là Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Được xem là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa đã được chuyển thể một phần hoặc toàn bộ thành phim điện ảnh, phim truyền hình hàng trăm lần.

Trong mỗi phiên bản khác nhau, các nhà biên kịch, đạo diễn đều có sự cải biên đôi chút về thời gian, các trận đánh, hay thêm thắt nhiều chi tiết không có thật trong chính sử hoặc trong truyện, nhưng khán giả vẫn đón nhận nồng nhiệt. Bộ phim Tân Tam Quốc Diễn Nghĩa phát hành năm 2010 với kinh phí khủng lên đến 160 triệu nhân dân tệ đã thành công vượt mức mong đợi khi được 4 đài truyền hình lớn mua quyền phát sóng cùng lúc.

Tuy nhiên, khi nhắc đến phim sử, vương triều nhà Thanh nổi tiếng của Trung Quốc mới thực sự là "mảnh đất vàng" của các nhà làm phim. Tể tướng Lưu gù, Khang Hy vi hành, Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Vương triều Ung Chính, Hoàn Châu cách cách... đều là những bộ phim có nội dung dựa trên 300 năm lịch sử của vương triều này. Hầu hết các bộ phim đều mang đến thành công vang dội cho nhà sản xuất nhờ vào những tình tiết thêm thắt trong hậu cung, bên mặt trái của những mưu quyền đoạt lợi... Người xem thường luôn bị hấp dẫn bởi những yếu tố này nên luôn ủng hộ hết mình.

Sự "tận dụng" của các nhà làm phim với vương triều nhà Thanh đã dày đặc đến nỗi một ngày nọ, một vị công chúa còn sót lại của đời nhà Thanh (em họ của vua Phổ Nghi) đã lên tiếng chỉ trích việc này.

Phim lịch sử Trung Quốc: Đánh lớn, thắng lớn - 4

Dàn diễn viên chính của Tam quốc diễn nghĩa phiên bản năm 2010

Bà cho rằng sự cải biên quá tay là có thể chấp nhận nhưng liên tiếp có nhiều bộ phim bóp méo sự thật xuất hiện trong làng giải trí sẽ góp phần khiến công chúng có cái nhìn không tốt về đời nhà Thanh. Chính quyền Trung Quốc trước đó cũng đã đề nghị các nhà sản xuất hạn chế khai thác đề tài này để tránh xảy ra tình trạng làm mất nhận thức đúng đắn của người dân về chính sử.

Suy cho cùng, sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim lịch sử tại Trung Quốc là điều hiển nhiên bởi đất nước này có sẵn cơ sở hạ tầng và một đội ngũ biên kịch, làm phim cao tay, thích xào nấu. Khán giả của màn ảnh Hoa ngữ cũng có hứng thú với những cải biên. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức lớn với các nhà làm phim vì phải làm sao để cải biển một cách nhẹ nhàng, không quá đáng mà vẫn không bị chìm lấp giữa hàng trăm bộ phim khác, mang lại doanh thu cao.

Thay lời kết

Xét cho cùng, cải biên và hư cấu luôn là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện các bộ phim lịch sử. Điều quan trọng là làm sao để khán giả ủng hộ và không tức giận vì đã xuyên tác những hình tượng có thật trong lịch sử. Có lẽ chính vì sự khéo léo và chỉnh sửa dần dà theo nhiều năm tháng trong suốt một thời gian dài mà dòng phim này vẫn luôn giữ vị trí số 1 trong lòng khán giả Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Tùng ([Tên nguồn])
Phim 21 tỷ đồng ế khách Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN