Olympic 2016: Đầu tư 40 tỷ, chỉ mơ 1 huy chương

Thứ Năm, ngày 28/07/2016 00:01 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Ngành Thể thao đầu tư tới 40 tỷ đồng cho chiến dịch Olympic Rio (Brasil).

Ngành Thể thao đầu tư tới 40 tỷ đồng cho chiến dịch Olympic Rio (Brasil), với thành quả bước đầu đáng khích lệ là 23 tuyển thủ của 10 môn giành quyền dự tranh. Thế nhưng mục tiêu có huy chương lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, giống như một “canh bạc”.

Olympic 2016: Đầu tư 40 tỷ, chỉ mơ 1 huy chương - 1

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn

“Canh bạc” đặt vào hai lực sĩ cử tạ

Dù đang có sự chuyển hướng tích cực, lần đầu có tới 23 tuyển thủ của 10 môn đoạt vé song TTVN vẫn đang ở một trình độ yếu so với mặt bằng chung thể thao thế giới. Thực chất, số tuyển thủ đạt tới đẳng cấp đủ để tranh chấp sòng phẳng và xứng đáng vượt qua vòng loại Olympic của TTVN chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và con số 23 tuyển thủ đã là cả một kết quả ngoài sức tưởng tượng của ngành Thể thao, với quyết tâm nỗ lực cao độ cùng cả may mắn của từng môn, từng người.

Nếu nhìn xa hơn với đích nhắm 1 - 2 huy chương Olympic lại càng thấy rõ thảm cảnh. Cả nền thể thao đang “đặt cửa” vào đô cử Thạch Kim Tuấn vừa hồi phục chấn thương và chưa thể biết có kịp lấy lại sự sung mãn nhất của mình. Đó là “mũi nhọn” duy nhất. Nếu đạt tới tầm cao nhất, Tuấn đủ sức mang về một tấm huy chương, kể cả Vàng. Dù các nhà quản lý huấn luyện của môn cử tạ khẳng định, Tuấn đã hoàn toàn bình phục, đang sẵn sàng ở mức cao nhất, thì nguy cơ từ chấn thương với diễn biến khó lường vẫn đang là nỗi ám ảnh.

Phần nào đó còn có thể trông chờ ở một lực sĩ khác, đô cử Vương Thị Huyền, người từng vượt tới 2kg so với mức HCĐ Olympic 2012 tại giải Vô địch thế giới 2012. Tuy nhiên, Huyền lại đang quá thiếu kinh nghiệm tại một đấu trường đỉnh cao như Olympic.

“Về mặt lý thuyết cũng như thành tích trong quá khứ, Vương Thị Huyền và nhất là Thạch Kim Tuấn hoàn toàn có thể tranh chấp một tấm huy chương Olympic. Thế nhưng, đó sẽ là một thách thức cực lớn, bởi cả hai đều có khó khăn rất cơ bản của mình. Tuấn đã hồi phục chấn thương, đang tập luyện rất tốt song vẫn đáng lo bởi một số đối thủ của hạng 56kg quá mạnh, Tuấn còn phải đề phòng nguy cơ chấn thương có thể tái phát đúng thời điểm quyết định.

Trong khi đó, Huyền lại quá non kinh nghiệm. Mong rằng niềm hy vọng này sẽ phát huy tối đa năng lực của mình và may mắn để có thể giúp cử tạ Việt Nam tái lập được kỳ tích như Hoàng Anh Tuấn tạo lập cách đây 6 năm, với tấm HCB Olympic 2008”, ông Đỗ Đình Kháng, lãnh đội môn cử tạ tại Olympic 2016 phân tích.

40 tỷ đồng không “cứu” nổi sự tụt hậu

Trình độ vốn đã yếu của TTVN rất tiếc đã không được bù lại bởi quyết tâm, nỗ lực cao độ trong chuẩn bị lực lượng. Ngành Thể thao đầu tư khoản kinh phí lên tới 40 tỷ đồng cho Olympic nhưng không mang lại hiệu quả, và không thể kịp làm được gì đáng kể, với cách thức tiếp cận, tập huấn, thi đấu “ăn đong thời vụ” giống hệt như SEA Games.

TTVN không coi Olympic như một chiến dịch bài bản, dài hạn, ít nhất cũng phải có quỹ thời gian hai năm với các giải pháp đột phá. Còn các môn, từ các nhà quản lý, huấn luyện viên cho đến chính các VĐV gánh vác nhiệm vụ, cũng coi việc đoạt suất hay tranh tài ở Olympic cũng là chuyện được chăng hay chớ. So với chính mình có thể đang tiến bộ, song nếu nhìn từ mặt bằng chung thế giới, TTVN ngày càng tụt hậu.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Trưởng đoàn TTVN) đánh giá: “Việc có nhiều tuyển thủ vượt qua vòng loại Olympic đã chứng tỏ bước tiến của từng môn cũng như cả nền thể thao. Thế nhưng, mục tiêu của thể thao Việt Nam bây giờ phải là tranh chấp huy chương Olympic và nếu mục tiêu này bất thành, phải coi đó là một thất bại. Hiện tại, ngành Thể thao mới chỉ đang tập trung cao độ để giành suất tới Olympic chứ chưa có kế hoạch, giải pháp đảm bảo để có thể tranh chấp huy chương. Ngay cả niềm hy vọng gần như duy nhất từ môn cử tạ thì thực sự cũng chưa được nhìn nhận đầu tư một cách xứng đáng, mà vẫn theo kiểu “hớt ngọn”.

Còn theo Trưởng đoàn TTVN tranh tài trên đất Brasil Trần Đức Phấn, dù đích nhắm phải là phấn đấu có huy chương song khả năng thực tế mới chỉ dừng lại ở mức hy vọng. Vì thế, cả ngành Thể thao cùng người hâm mộ đang phải phập phồng vừa tin, vừa lo cho một tấm huy chương Olympic 2016.

Chia sẻ
Theo Duy Linh ([Tên nguồn])
sự kiện Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN