“Bóng ma” doping Nga: Chuyện đâu chỉ ở Nga!

Thứ Bảy, ngày 30/07/2016 16:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Khi tuyên bố “Doping nước nào cũng có, hiện diện khắp nơi”, chính khách Vitaly Mutko không chỉ bao biện cho những việc làm bị bóc trần trong làng thể thao Nga nơi ông là bộ trưởng mà còn phản ánh một thực tế nhức nhối trên toàn thế giới

Câu chuyện hàng ngàn mẫu thử có phản ứng dương tính với chất cấm bị hủy hoại, tráo đổi và làm giả ngay tại Trung tâm Xét nghiệm doping Moscow (Nga) mới chỉ là bề nổi của tảng băng trong khi thể thao thế giới đã phải đối mặt với nhiều ca doping gây chấn động.

“Bóng ma” doping Nga: Chuyện đâu chỉ ở Nga! - 1

Đội tuyển tiếp sức nam của Mỹ có đến 2 người vướng doping là Tyson Gay và Gatlin Ảnh: USA TODAY

Chỉ vài tháng sau khi Olympic London 2012 khép lại, Nadzeya Ostapchuk bị phát hiện sử dụng chất metenolone và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lập tức tước HCV đẩy tạ của nữ VÐV người Belarus 31 tuổi này. Hàng loạt thành tích bị hủy sau đó với lý do tương tự nhưng vụ việc ồn ào nhất phải đến 3 năm sau mới được làm sáng tỏ.

Với việc thành viên nổi tiếng Tyson Gay bị phát hiện sử dụng chất cấm, IOC buộc tổ chạy tiếp sức 4x100 m của Mỹ - gồm Trell Kimmons, Justin Gatlin, Ryan Bailey, Jeffery Demps và Darvis Patton - phải trả lại HCB Thế vận hội.

Từ năm 1984 đến nay, chỉ có Donovan Bailey (Canada), HCV cự ly chạy 100 m Atlanta 1996, giữ được sự trong sạch cho đến khi giải nghệ. Tại Olympic Seoul 1988, Ben Johnson (Canada) người về nhất cự ly chạy 100 m nam, bị tước HCV vì doping. VĐV Anh Linford Christie, HCV cự ly 100 m nam tại Olympic Barcelona 1992, từng bị phát hiện dùng chất cấm vào năm 1988 và đến năm 1999 lại một lần nữa bị phát hiện dùng chất kích thích.

Maurice Greene, người đoạt HCV tại Sydney 2000, thừa nhận từng mua bán chất cấm. Ngay cả “tia chớp” Usain Bolt - người đoạt 2 “cú đúp” HCV cự ly 100 m và 200 m tại Bắc Kinh 2008 và London 2012 - cũng bị Carl Lewis nghi ngờ có sử dụng chất cấm trong khi chính Carl Lewis cũng vướng vào nghi án này sau khi đoạt HCV 100 m tại Olympic 1984.

Về phía nữ, đình đám nhất chính là việc “nữ hoàng tốc độ” Marion Jones (Mỹ) bị tước 2 HCV tại Sydney 2000 rồi sau đó phải ngồi tù vì “vướng” quá sâu vào chất cấm. Nghi án doping của Florence Griffith Joyner, tác giả của 2 kỷ lục thế giới các cự ly 100 m và 200 m, đã rơi vào im lặng với việc cô qua đời chỉ ít ngày sau khi Olympic Seoul 1988 kết thúc.

Ở lĩnh vực bóng đá, sau khi vòng chung kết Euro khép lại, nhật báo Bild (Đức) tố cáo các cầu thủ tuyển Pháp sử dụng doping ở trận bán kết gặp tuyển Đức. Bằng chứng khá mong manh nhưng cũng khiến giới chuyên môn phải quan tâm: Đó là một ống Guronsan đã qua sử dụng được tìm thấy trong phòng thay đồ của đội tuyển Pháp. Đây là loại thuốc uống sủi bọt vitamin C giúp tăng cường năng lượng và khả năng tập trung nhưng cũng chứa một hàm lượng nhỏ chất caffein.

Câu chuyện khó có hồi kết nhưng vẫn làm người ta nhớ đến “đại án” được hé lộ cách đây ít năm. Theo một công trình nghiên cứu của Đại học Humboldt ở Berlin - Đức, 3 cầu thủ đội tuyển CHLB Đức tham dự trận chung kết World Cup 1966 (thua 2-4 trước đội tuyển Anh) đã sử dụng ephedrine, một dược chất có tác dụng làm thông mũi cho những bệnh nhân bị cảm lạnh nhưng có tên trong danh sách các chất cấm sử dụng trong thể thao.

Trước đó, tại World Cup 1954, tuyển CHLB Đức đã bất ngờ lội ngược dòng để đánh bại đội tuyển Hungary trong trận chung kết với tỉ số 3-2, trận đấu mà sau này người ta vẫn gọi là “điều kỳ diệu thành Berne”.

Trước trận đấu, các cầu thủ đã không sử dụng Vitamin B mà thay vào đó là chất Pervitin, một hoạt chất gốc amphetamine từng được các nhà khoa học Đức Quốc xã chế tạo nhằm giúp các binh sĩ có đủ sức chiến đấu lâu dài! Các cầu thủ Đức đều sử dụng Pervitin, trừ một nhóm nhỏ. Trong số những nhà vô địch thế giới 1954, tiền vệ Richard Herrmann được lưu ý khi ông chết 8 năm sau đó do bệnh viêm gan cấp.

Công trình nghiên cứu mang tên “Doping ở Đức từ 1950 đến nay” cũng tố cáo việc sử dụng các dược chất bị cấm còn kéo dài đến lần vô địch World Cup năm 1974 của đội tuyển Đức. Không chỉ trong bóng đá, việc sử dụng doping còn lan truyền sang hầu hết các môn thể thao Olympic. Bản nghiên cứu dài 800 trang tiết lộ nhiều chính trị gia hàng đầu, các bác sĩ và quan chức có liên quan còn Bộ Nội vụ Đức cung cấp ngân sách cho việc nghiên cứu và quản lý các dược phẩm bị cấm này.

Chết vì doping

Khẩu hiệu của thể thao Đức tại Thế vận hội Munich 1972 là “Huy chương là tất cả” và thực tế cho thấy việc sử dụng tràn lan các chất kích thích hormone, tiền chất EPO, steroids… nhiều hơn người ta tưởng. Brigit Dressel, VĐV 7 môn phối hợp nữ, chết năm 1987 ở tuổi 26 do ung thư nhiều cơ quan nội tạng mà kết quả phẫu thuật tử thi cho thấy có đến 101 loại thuốc trong cơ thể cô.

Chia sẻ
Theo Đông Linh ([Tên nguồn])
sự kiện Chuyện hậu trường Olympic
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN