Thu nhập nào, “nuôi” xe hơi đấy!

Nhiều người có nhu cầu sở hữu xe hơi nhưng lo ngại về việc chi phí sử dụng khiến họ phải “đau đầu”.

Sử dụng một chiếc ô tô phổ thông như Kia Morning hay Hyundai i10 sẽ chỉ tiêu tốn khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí có thể tăng gấp 5 lần nếu sở hữu một chiếc xe hạng sang như BMW X5.

Theo khảo sát, nhiều người có nhu cầu sở hữu xe hơi nhưng lo ngại về việc chi phí sử dụng khiến họ phải “đau đầu”. Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm xe ngày càng cao và cũng không ít người vẫn đặt câu hỏi sử dụng một chiếc xe cụ thể sẽ tiêu tốn bao nhiêu chi phí xăng dầu và sửa chữa bảo dưỡng định kỳ.

Thu nhập nào, “nuôi” xe hơi đấy! - 1

Ảnh minh họa

Trên thực tế, trước khi “tậu” một chiếc xế hộp, người mua đều phải tìm đáp án cho ba câu hỏi: “Sử dụng xe có thường xuyên không?”, “Nếu không có xe riêng, gia đình có gặp khó khăn trong việc thuê xe dịch vụ (taxi, uber taxi, grab taxi, xe tự lái, có lái…) trong mọi hoàn cảnh hay không?” và “Ngoài các khoản chi tiêu cố định, mỗi tháng có thể để ra một khoản tiết kiệm cố định?”.

Khi đáp án cả ba câu hỏi trên cùng là “có”, thì đồng nghĩa với việc quyết định “tậu” và “nuôi” một chiếc xe riêng là hoàn toàn phù hợp. Không ít ý kiến cho rằng, “nuôi” một chiếc xe hơi khá tốn kém và thu nhập phải ở mức vài chục triệu mỗi tháng thì mới có thể thỏa mãn được nhu cầu trên. Tuy nhiên, mỗi dòng xe hay phân khúc xe đều có mức chi phí khác nhau trong quá trình sử dụng, thậm chí chỉ cần mỗi tháng bỏ ra được vài triệu đồng là có thể sử dụng một chiếc xe hơi.

Để sở hữu một chiếc ô tô, ngoài việc tiết kiệm được một khoản tiền mua xe ban đầu, chủ sở hữu xe sẽ phải bỏ ra khá nhiều chi phí cho các hạng mục khác để chiếc xe đủ điều kiện lưu hành.

Ngoài chi phí bắt buộc gồm lệ phí đường bộ khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/năm tùy loại, bảo hiểm trách nhiệm dân sự khoảng 400.000 đồng (dưới 5 chỗ) đến 800.000 đồng/năm (đối với xe từ 7 - 9 chỗ ngồi), bảo hiểm vật chất khoảng 1,7 đến dưới 2% giá trị xe/năm và lệ phí đăng kiểm khoảng 300.000 đồng/lần, thì người dùng còn phải lưu ý đến chi phí bảo dưỡng định kỳ mà mức độ tùy thuộc vào từng chủng loại xe.

Thông thường, cứ 10.000 km thì phải thay dầu động cơ một lần và tiêu tốn của chủ sở hữu khoảng từ 500.000 đến 2,5 triệu đồng tùy dung tích động cơ và loại dầu sử dụng. Khoảng 20.000 km thì phải thay dầu và lọc dầu, 40.000 km phải bảo dưỡng tổng thể với mức chi phí có thể lên đến 15 triệu đồng tùy loại xe. Ngoài ra, một số hạng mục khác cần thay định kỳ nhưng lâu hơn là má phanh và lốp xe.

Vấn đề tiêu thụ nhiên liệu phụ thuộc rất nhiều vào loại xe và cường độ sử dụng. Thực tế cho thấy, các dòng xe cỡ nhỏ như: Kia Morning, Chevrolet Spark hay Hyundai Grand i10,… có mức tiêu thụ trung bình khoảng 6 lít/100 km, những dòng xe hạng trung như: Mazda 6, Honda Accord hay Toyota Camry,… có mức tiêu thụ trung bình gần 10 lít/100 km, trong khi những chiếc xe sang cỡ lớn như: BMW X5, Mercedes-Benz GL hay Lexus LX 570 có mức tiêu thụ trung bình từ 15 - 25 lít/100 km.

Từ các khoản chi phí như trên, người dùng hoàn toàn có thể định hình được chi phí bỏ ra để “nuôi” một chiếc xe và từ đó đi đến quyết định loại xe phù hợp với khả năng và nhu cầu sử dụng. Bài toán nêu trên hoàn toàn phù hợp với việc sở hữu một chiếc xe mới trong vòng 5 năm với cường độ sử dụng khoảng 40 km/ngày cùng giá xăng/dầu tạm tính 18.000 đồng/lít và chưa tính đến chi phí phát sinh “mềm” như gửi, rửa xe… và xe được mua bảo hiểm vật chất đầy đủ.

Những chiếc xe cũ sau 5 năm hoặc kinh doanh vận tải sẽ tốn chi phí nhiều hơn. Hơn nữa, cùng một dòng xe như các phiên bản động cơ khác nhau, điều kiện địa hình hoặc người sử dụng khác nhau cũng có thể khiến chi phí khác nhau.

Trên thực tế, nếu người dùng có thể dành 3 triệu đồng/tháng cho một chiếc xe thì những mẫu compact phổ thông như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Chevrolet Spark, Chevrolet Gentra, Mitsubishi Mirage, Ford Fiesta, Toyota Vios… là hoàn toàn hợp lý. Bởi những mẫu xe này có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và nhiên liệu tương đối thấp. Bảo dưỡng định kỳ cấp 1 chỉ mất dưới 700.000 đồng, trong khi bảo dưỡng tổng thể cấp 2 chỉ khoảng từ 3 - 4 triệu đồng.

Mức tiết kiệm cho xe trên 5 triệu đồng/tháng sẽ phù hợp với những chiếc sedan hạng C như: Toyota Corolla Altis, Mazda 3, Honda Civic, Ford Focus,… Đây là dòng xe đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng bởi kích thước đủ rộng cho gia đình và trang bị tiện nghi cũng ở mức khá tốt. Chi phí bảo dưỡng sửa chữa cũng chỉ nhỉnh hơn so với dòng xe compact.

Mức tiết kiệm cho xe trên 9 triệu đồng/tháng đủ để đáp ứng nhu cầu sở hữu những mẫu sedan cỡ trung như: Toyota Camry, Honda Accord, Mazda 6, Peugeot 508 hay thậm chí là một số dòng xe hạng sang cỡ nhỏ như: BMW 3-series, Audi A4 hay Mercedes C-class. Các mẫu SUV hạng trung như Toyota Fortuner hay Mitsubishi Pajero Sport cũng thuộc nhóm chi phí này.

Khi người dùng có mức tiết kiệm cho xe trên 15 triệu đồng/tháng, những mẫu xe hạng sang cỡ vừa như: BMW 5-series, Mercedes E-class, Audi A6, Lexus ES hay các dòng SUV hạng sang cỡ nhỏ và vừa như: Mercedes GLK, Audi Q5,… là tương đối phù hợp. Mức nhiên liệu của nhóm này có thể rất khác nhau, tùy thuộc dòng động cơ và điều kiện vận hành. Chẳng hạn như GLK 300 có mức tiêu thụ khoảng 12 lít/100 km đường trường, nhưng tiêu tốn tới 17 - 20 lít/100 km khi vận hành trên đường đô thị đông đúc.

Mức tiết kiệm cho xe trên 20 triệu đồng/tháng đủ để “mơ” tới các dòng xe hạng sang cỡ lớn, nhưng không phải là siêu xe hay xe sang đặc biệt. Nhóm này gồm: Mercedes-Benz S-class, BMW 7-series, Audi Q7, Lexus GX… Các phiên bản khác nhau trong cùng một dòng của nhóm này cũng có chi phí khác nhau, chẳng hạn như bộ má phanh của BMW 730Li khoảng 12 triệu đồng, nhưng của 760Li có thể lên đến gần 20 triệu đồng. Mức tiêu thụ nhiên liệu chênh lệch giữa hai chiếc xe này cũng rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN