Ôtô và những bộ phận dễ “mắc bệnh” mùa hè
Nhiệt độ cao trong thời tiết mùa hè khiến một số bộ phận trên xe hơi mà bạn thường không hay để ý tới như lốp, ắc quy, hệ thống đường ống dẫn khí, nước dễ “mắc bệnh” hơn.
Các chất lỏng trong xe
Các chất lỏng nói chung trên ô tô sẽ bị hao ngót nhanh hơn trong mùa hè. Vì thế cần phải kiểm tra các chất lỏng trong xe như dầu máy, nước coolant, dầu hộp số, dầu tay lái, dầu phanh… đều đặn. Ðừng để rơi vào tình trạng thiếu dầu nhớt, hoặc nước coolant bị hao cạn lúc nào không biết.
Các đường ống và dây kéo
Ðây là những bộ phận làm bằng cao su, vốn là vật liệu dễ bị rạn nứt khi tiếp cận sức nóng. Cần phải kiểm tra các ống dẫn nước, ống hơi, hệ thống dây kéo… xem có vết rạn, chỗ mềm cứng bất thường, hoặc dấu hiệu suy thoái nào không để từ đó có biện pháp thay thế.
Lốp
Đợt cao điểm nắng nóng vừa qua đã chứng kiến rất nhiều vụ xe con, xe tải đang di chuyển trên đường bỗng nhiên nổ lốp.
Nguyên nhân do mặt đường nóng, cộng thêm quá trình biến dạng liên tục khi làm việc khiến nhiệt độ không khí trong lốp tăng cao. Một nghiên cứu cho thấy, lốp của một chiếc xe bán tải có thể đạt trên 60 độ C sau khi chạy 50 km dưới trời nắng. Cứ 10 độ C tăng thêm, áp suất lốp sẽ tăng lên 1 – 2 Psi (0,07 – 0,14 kg/cm2).
Áp suất vượt quá mức cho phép dễ làm lốp phình hoặc bị nổ, hiện tượng này thường xuất hiện trên lốp đã mòn nhiều hoặc hết hạn sử dụng (khoảng 6-8 năm tùy từng loại kể từ ngày sản xuất.) Sự tăng giảm áp suất không đều giữa các bánh xe cũng có thể dẫn đến mất lực bám khi xe vào cua, dẫn đến tai nạn.
Nhằm hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến lốp trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, bạn nên dành thời gian kiểm tra lốp thường xuyên, đặc biệt trước những chuyến đi dài để kịp thời phát hiện những nguyên nhân không an toàn tiềm ẩn trên lốp xe (lốp mòn, lốp quá căng, áp suất lốp giữa các bánh không đều) để có biện pháp thay thế phù hợp.
Ắc quy
Ða số chúng ta chỉ lo trục trặc ắc quy trong mùa đông. Thực tế, sức nóng mùa hè còn tác động đến ắc quy nhiều hơn so với mùa đông.
Sự quá nhiệt và quá nạp là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ắc quy chết sớm. Nhiệt độ khiến chất lỏng bay hơi, thay đổi nồng độ dung dịch, phản ứng diễn ra nhanh và gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy.
Bên cạnh đó, những thiết bị bị lỗi trong quá trình sạc như bộ điều chỉnh điện thế sẽ khiến ắc-quy bị quá nạp, làm hư các thẻ và giảm tuổi thọ. Các bề mặt thẻ (chì oxit) không chìm trong dung dịch điện phân có thể bị hư hỏng.
Vì vậy, cần theo dõi và bảo dưỡng thường xuyên thiết bị này, đặc biệt trong mùa nóng.