Nhập khẩu ôtô: Nhiều chiêu trò trốn thuế

Gần đây các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt các thủ đoạn mới nhằm trốn thuế của nhiều công ty, cá nhân nhập khẩu ôtô trên cả nước với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Một trong số những thủ đoạn trốn thuế được các đơn vị nhập khẩu ôtô tận dụng nhiều nhất là biến những xe mới thành xe đã qua sử dụng để hưởng mức thuế nhập khẩu ít hơn. Trước khi cho xe lên tầu vận chuyển về Việt Nam, xe đã được gẩy số km đã đi quá 1 vạn km (theo quy định các xe nhập khẩu đã chạy quá 1 vạn km được xếp vào danh mục xe đã qua sử dụng). Khi về đến Việt Nam, sau khi hoàn tất các thủ tục hải quan, những chiếc xe này lại được gẩy số km về 0 trước khi bày bán ở các salon ôtô, và đương nhiên nó được bán với giá xe mới.

Nhập khẩu ôtô: Nhiều chiêu trò trốn thuế - 1

Doanh nghiệp “hô biến” xe mới thành xe cũ để được hưởng thuế nhập khẩu thấp

Mới đây, Công ty Trường Hải đã gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng về việc họ đang gặp khó khăn trong kinh doanh dòng xe Kia Morning (chiếm 40% doanh số) bởi phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các dòng xe đã qua sử dụng nhập khẩu cùng loại. Theo Trường Hải, mức thuế nhập khẩu cho xe ôtô đã qua sử dụng có dung tích xi-lanh dưới 1.000cc là 3.500USD với điều kiện quy định xe cũ là xe “được đăng ký thời gian tối thiểu là 6 tháng và chạy được một quãng đường tối thiểu là 1vạn km. Điều kiện này hiện nay đang bị một số nhà nhập khẩu khai thác thông qua việc điều chỉnh số đo đồng hồ km qua 1vạn km (điều chỉnh này không khó về mặt kỹ thuật) nhằm đăng ký xe dưới hình thức xe cũ để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn.

Và để cân đối chênh lệch giữa giá nhập đầu vào và giá bán thực tế, các đơn vị kinh doanh này thường ghi giá xuất hóa đơn GTGT thấp hơn giá bán thực tế. Và khi được coi như xe cũ nhập khẩu, ngoài hưởng thuế nhập khẩu thấp, doanh nghiệp nhập khẩu những xe này còn được hưởng lợi từ việc giảm đáng kể chi phí phải nộp cho các loại thuế, phí khác như thuế TTĐB, GTGT, lệ phí trước bạ.

Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 897/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giao Bộ Tài Chính chủ trì phối hợp với Bộ Công thương khẩn trương rà soát, kiểm tra về những bất cập trong việc quản lý nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng nhằm ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận thương mại, trốn thuế trong lĩnh vực này.

Cục Cảnh sát kinh tế cũng đề nghị PC46 phối hợp với cảng vụ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạm giữ, bảo quản xe ôtô, xe môtô đã và đang về cảng; là tài sản của các cá nhân thuộc diện Việt kiều hồi hương. Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm còn đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp cho Cục Cảnh sát kinh tế toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc nhập khẩu ôtô, xe môtô thuộc diện cần theo dõi này trong khoảng thời gian từ tháng 6/2011 - 31/12/2012 (bản photo có dấu giáp lai của cơ quan Hải quan).

Còn theo thống kê của Hải quan, số lượng cấp giấy phép nhập khẩu ôtô, xe máy theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam đang tăng đột biến. Trong năm 2012, cả nước đã có 71 trường hợp xe nhập khẩu hình thức này, trong khi năm 2011 chỉ có 15 xe, năm 2010 có 12 xe và năm 2009 chỉ có 5 xe. Qua kiểm tra hồ sơ, hải quan Tp. Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều dấu hiệu lách luật, lợi dụng chính sách ưu đãi cho Việt kiều hồi hương để nhập khẩu xe trốn thuế.

Chẳng hạn, hộ chiếu nước ngoài hoặc thẻ cư trú tại nước ngoài của những đối tượng Việt kiều này được cấp trong một thời gian rất ngắn trước khi hồi hương. Các loại ôtô nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển đều rất mới và chủ yếu là xe hạng sang, giá trị lớn. Thời điểm đăng ký xe chỉ cách thời điểm các cá nhân này làm thủ tục nhập khẩu trở lại Việt Nam chỉ trong 1-2 tháng và số km của xe chạy rất ít, việc hoàn tất thủ tục đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam thường chỉ sau nhập cảnh về Việt Nam rất ngắn. Thời điểm này thường căn cứ trên dấu nhập cảnh về Việt Nam lần cuối cùng. Quê quán ở một nơi, nhập khẩu về một nơi, tập trung vào các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh...

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), ngoài chiêu biến xe mới thành xe cũ, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô còn lách luật bằng cách khai báo giá trị xe thấp hơn giá thực tế để gian lận thuế. Kết quả khảo sát của VAMA cho thấy mẫu xe Daewoo Matiz AT mới 100% sản xuất năm 2009 có giá trên thị trườngnước sản xuất từ 6.065-7.072 USD/xe. Tuy nhiên, giá nhập khẩu được khai báo tại cảng Việt Nam chỉ là 2.700-3.000 USD/xe. Tại thị trường Việt Nam, giá bán thực tế cho khách hàng loại xe nàytừ 11.800-4.900 USD/xe trong khi, giá xe ghi trên hoá đơn chỉ là 10.400U SD/xe.

Tương tự, xe Kia Morning mới 100% sản xuất năm 2009 có giá tại nước sản xuất là 5.883-7.374 USD/xe nhưng khi về cảng Việt Nam, chỉ được khai báo ở mức giá là 3.000 USD. Khi bán cho khách hàng Việt Nam lên đến 15.500-17.050 USD/xe, còn trên hoá đơn chỉ ghi 9.300-10.230 USD/xe. Xe Hyundai i30 mới 100% có giá tại Hàn Quốc là 13.366-15.394 USD/xe, nhưng các doanh nghiệp khai báo chỉ là 7.000-7.500 USD/xe. Tuy nhiên, khách hàng khi mua xe đã phải mua với giá từ 29.900-31.500 USD/xe, còn trong hóa đơn là 17.400-18.900 USD/xe.

Như vậy, với mẫu xe GM Daewoo Matiz, nhà nhập khẩu đã khai giảm đi 3.365-4.072 USD/xe, mẫu Kia Morning khai thấp đi 2.883-4.374 USD/xe, mẫu Hyundai i30, 1600cc giảm tới 6.366-7.894 USD/xe. Và đương nhiên, phần giá trị này của xe nhập về sẽ không phải nộp thuế nhập khẩu và thuế TTĐB, trung bình mỗi xe có ít nhất từ 1.400-12.500 USD thu về nhưng không phải nộp thuế VAT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo GTVT
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN