LHP Việt Nam 18: Bạo lực “đốt” màn bạc

Sự kiện: LHP Việt Nam 20

Chính Ban Giám khảo (BGK) cũng thừa nhận rằng, rất nhiều phim tham dự được làm một cách cẩu thả, sơ sài, thiếu đầu tư về mặt nghệ thuật.

Sân chơi tuổi 18 của “nghệ thuật thứ 7” vẫn thiếu đi một chất lửa, chất hào hoa của những sản phẩm xứng tầm dẫu nó diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Cẩu thả ngay từ lễ khai mạc!

“Với chủ đề: Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 còn “gánh” thêm nhiệm vụ hết sức quan trọng và thiêng liêng là kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013). Ấy thế nhưng, với những gì đã diễn ra, LHP năm nay được nhận xét là làm chưa tới tầm của một nền điện ảnh có lịch sử 60 năm.

LHP Việt Nam 18: Bạo lực “đốt” màn bạc - 1

Đêm khai mạc liên hoan với những màn múa dài lê thê. Ảnh: TG.

Dù lễ khai mạc được đạo diễn Lê Quý Dương và NSND Trần Bình đảm nhiệm, nhưng cảm nhận chung của khán giả và của nghệ sĩ tham gia là vẫn còn không ít thiếu sót cũng như thiếu sự hấp dẫn của đêm tôn vinh nền điện ảnh nước nhà. Thông thường, ở một lễ khai mạc kiểu này, sự kiện thảm đỏ luôn được chú ý nhất bởi có sự xuất hiện của các nghệ sĩ tên tuổi, các ngôi sao có đóng góp nổi bật với điện ảnh nước nhà. Thế nhưng Ban Tổ chức (BTC) đã không thể bố trí thêm đèn đường lối đi vào thảm đỏ cũng như thiếu sự sắp xếp, bố trí người giới thiệu từng đoàn làm phim đi vào và chụp ảnh. Ngoài ra, chương trình tại buổi lễ khai mạc còn quá sơ sài và tẻ nhạt, thiếu sinh động trong phần giao lưu, chia sẻ với các nghệ sĩ gạo cội cũng như phần tri ân, tưởng nhớ các nghệ sĩ lão thành như NSND Trọng Ninh, NSND Bạch Diệp… Trong khi nhiều cái “thiếu”, phần múa lại quá thừa thãi, kéo dài khiến người xem có cảm giác mệt mỏi.

Khuynh hướng bạo lực

Điều đáng chú ý của LHP năm nay là có nhiều phim tham gia nhất từ trước đến nay. Ngay cả phim tư nhân, vốn luôn mang “mặc cảm” trước các phim nhà nước thì nay lại là thành phần chiếm ưu thế (có tới 19/23 phim là sản phẩm của các hãng tư nhân) và gây chú ý như: “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, “Thiên mệnh anh hùng”... Với tổng số 139 bộ phim của 44 cơ sở điện ảnh trên cả nước, trong đó có 23 phim truyện điện ảnh; 6 phim truyện video; 10 phim tài liệu nhựa; 62 phim tài liệu video; 13 phim khoa học và 26 phim hoạt hình… đây có thể coi là mùa “bội thu” cho Liên hoan. Tuy nhiên sự phong phú về thể loại không làm nên chất lượng cho sân chơi này! Bởi chính bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng thừa nhận năm nay quá ít phim chất lượng.

Cũng trong dòng đánh giá, nhận xét về các phim năm nay, NSND Đào Bá Sơn - Trưởng BGK phim truyện cho rằng: Trong số 29 phim tham gia, BGK rất vui bởi có nhiều phim mang khuynh hướng thương mại nhưng vẫn có tính nghệ thuật, hấp dẫn từ cách chọn diễn viên, dàn dựng công phu và chuyên nghiệp. “Tôi có thể tự hào nói rằng, có một số phim chúng ta có thể so sánh với phim nước ngoài mà không phải xấu hổ. Ví dụ như “Đường đua”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Scandal: Bí mật thảm đỏ”... Dù vậy, chính NSND Đào Bá Sơn cũng thừa nhận: “Vấn đề nổi cộm tại LHP lần này là khuynh hướng trình bày cái ác, khai thác cái ác, khai thác bạo lực quá nhiều, đậm màu đến mức lấn át cả cái đẹp, cái hay của bộ phim. Nhiều phim còn nặng tính kinh doanh, đặt nặng việc thu hồi vốn nên số tiền đầu tư cho phim quá ít. Và khi sự đầu tư quá ít thì không tránh khỏi sự cẩu thả, xem nhẹ nghệ thuật mà có nhiều bài báo cho rằng đó là những bộ phim mang tính “thảm họa”.

Còn nói như bà Ngô Phương Lan - Trưởng BTC thì LHP năm nay hướng đến và tôn vinh các tác phẩm điện ảnh mang đậm đà bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, mới mẻ và chủ động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, với một nền điện ảnh mà phần lớn các phim nghệ thuật được làm công phu, chất lượng lại không thể ra rạp thì nói gì đến ước mơ xa vời là “hội nhập quốc tế”?

Trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 18 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hoá – nghệ thuật khác như: Hội thảo “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh”; Hội thảo “Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim”; Triển lãm “Điện ảnh với Quảng Ninh trong phát triển du lịch”; giao lưu giữa diễn viên, các nhà làm phim và khán giả… Liên hoan phim lần này sẽ kết thúc vào ngày 16/10.

Không có phim tài liệu về Tướng Giáp

Ngoài phim truyện nhựa, LHP Việt Nam còn có thế mạnh lớn về phim tài liệu. Nhưng đáng tiếc là trong tống số 10 phim tài liệu nhựa và 62 phim tài liệu video tham gia năm nay không có bộ phim nào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khi đó, Liên hoan vốn là nơi để tọa đàm, trao đổi về nghề nghiệp thì hoạt động này lại có phần bị “nhiệm vụ” quảng bá du lịch cho Quảng Ninh lấn át và không mấy liên quan đến nhiệm vụ của ngành điện ảnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hà (Giadinh.net)
LHP Việt Nam 20 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN