Thống đốc báo cáo Quốc hội về ma trận sở hữu chéo ngân hàng

Sự kiện: Ngân hàng

Báo cáo gửi tới Quốc hội trước kỳ họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến thời điểm 30/6/2019, Việt Nam đã cơ bản xóa xong "ma trận" sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, qua giám sát của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Tình trạng này vào năm 2012 - thời điểm yêu cầu xử lý sở hữu chéo được đặt ra là 7 cặp.

Về sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, theo báo cáo, đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (trong khi đó tại thời điểm tháng 6/2012 lên tới 56 cặp).

Trường hợp còn lại đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu (tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%).

ACB là trường hợp duy nhất còn sở hữu chéo.

ACB là trường hợp duy nhất còn sở hữu chéo.

Về công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.

Đối với các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á (DAB), Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, cơ quan này đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng này xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương. Đối với Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tại báo cáo gửi tới Quốc hội trước kỳ họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án hoặc có văn bản giao hội đồng quản trị/hội đồng thành viên rà soát, hoàn thiện, chịu trách nhiệm phê duyệt phương án cơ cấu lại của hầu hết các tổ chức tín dụng. 

Qua đó, đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.

Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 11,81 triệu tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.

Theo báo cáo, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các tổ chức tín dụng này.

Nguyên nhân là cần phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để tổ chức tín dụng hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Ngân hàng Phát triển báo lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nợ xấu 46.000 tỷ đồng

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo về công tác kiểm toán năm 2018 gửi Quốc hội hé lộ kết quả hoạt động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN