Sẵn sàng bán nhà nếu thất bại, start-up thuyết phục được “cá mập” đầu tư gần 12 tỷ

Sự kiện: Khởi nghiệp

Với mong muốn trở thành ứng dụng blockchain lớn nhất thế giới, Hải Hồ đã đến Shark Tank kêu gọi vốn đầu tư và sự đồng hành của các “cá mập”. Qua màn thương thuyết, thương vụ này đã để lại ấn tượng trong lòng người xem.

Hải Hồ - CEO và đồng sáng lập ra Triip - ứng dụng du lịch công nghệ blockchain đến Thương vụ bạc tỷ với mong muốn kêu gọi vốn đầu tư là 500.000 USD (gần 12 tỷ đồng) cho 5% cổ phần công ty. Startup này cho biết Triip là một nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới, cho phép người dùng chia sẻ kế hoạch du lịch để nhận được giá tốt nhất cho các dịch vụ du lịch từ các doanh nghiệp du lịch địa phương.

CEO Triip cho biết lợi thế của Triip là kết nối dữ liệu của khách du lịch (dưới sự đồng ý của khách du lịch) trực tiếp đến các doanh nghiệp du lịch địa phương trên nền tảng công nghệ blockchain, dữ liệu được lưu ngẫu nhiên trên 150 máy chủ hoạt động độc lập trên toàn thế giới. Vì vậy, các đối tác dùng hệ thống của Triip có thể tiết kiệm từ 50 - 90% chi phí bán hàng. Đổi lại, người dùng của Triip luôn nhận được ưu đãi tốt nhất từ các đối tác này. 

Hải Hồ đến Shark Tank kêu gọi vốn đầu tư cho Triip - ứng dụng blockchain về du lịch.

Hải Hồ đến Shark Tank kêu gọi vốn đầu tư cho Triip - ứng dụng blockchain về du lịch.

Để thuyết phục các nhà đầu tư, Hải Hồ tiếp tục đưa ra hàng loạt con số ấn tượng như ứng dụng đạt được 122 nghìn lượt tải trong vòng 3 tháng hoàn toàn tự nhiên, 35% người dùng quay lại hằng ngày, hơn 15 nghìn người chia sẻ hành trình chuyến đi. Doanh thu 2018 của Triip đạt 1,4 triệu USD (hơn 32,5 tỷ đồng), 6000 hướng dẫn viên bản địa và khách hàng đến từ 133 quốc gia. Với những chỉ số này, theo anh, Triip đang dẫn đầu về ứng dụng blockchain trong ngành du lịch.

Start-up có mục tiêu xây dựng ứng dụng blockchain du lịch lớn nhất thế giới. Triip bắt đầu thực hiện điều này bằng cách kêu gọi thành công quỹ đầu tư của Chính phủ Bồ Đào Nha góp vốn 500.000 USD (gần 12 tỷ đồng).

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Hải Hồ cho hay Triip hiện thu tiền từ mỗi giao dịch về dữ liệu, cứ một khách sạn mua thông tin hành trình từ khách hàng sẽ trả 10% cho phiên giao dịch. Năm 2018, Triip đạt được 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng doanh số GMV đạt 1,4 triệu USD (hơn 32,5 tỷ đồng). Dự kiến trong 5 năm sẽ hòa vốn dựa trên tổng số user đạt được. Start-up được các nhà đầu tư quốc tế định giá 10 triệu USD (hơn 232 tỷ đồng) dựa trên năng lực công nghệ và kinh nghiệm trong ngành du lịch.

Lập luận để bảo vệ quan điểm, CEO Triip cho hay: “Về công nghệ blockchain, bọn em đã dành ra thời gian nghiên cứu 2 năm. Theo thống kê từ Deloitte trong 2 năm qua, có 26.000 dự án blockchain được bắt đầu triển khai trên trang Github, sau 1 năm 92% dự án này chết. Đến bây giờ bọn em là 1 trong 3 dự án blockchain duy nhất ra được sản phẩm và chạy thực tế. Bọn em có 11/20 nhân viên là kỹ sư đang tập trung vào công nghệ blockchain”.

Shark Phạm Thanh Hưng cho rằng Triip không được lợi gì từ công nghệ blockchain vì để khách hàng tự mua bán, trao đổi với nhau. Phản đối điều này, CEO Hải Hồ khẳng định: “Trong ngành du lịch khoảng cách giữa người mua và người bán càng xa thì ở trung gian càng hưởng lợi. Bọn em cảm thấy cuộc chơi như vậy là không công bằng với nhiều người, bọn em viết lại luật chơi mới”.

Shark Dzung Nguyễn thắc mắc về việc dung hòa giữa bảo mật dữ liệu và tạo ra token trong giao dịch từ. CEO của Triip khẳng định ứng dụng tập trung sử dụng blockchain để bảo mật dữ liệu nhiều hơn là sản xuất Token. Token đơn giản chỉ là điểm thưởng cho người dùng được lưu lại trên hệ thống blockchain. Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu rồi bán cho một bên thứ ba như cách của hai ông lớn Google và Facebook đang thực thi là một cách làm không bền vững. 

Start-up chấp nhận bán nhà để trả nợ cho Shark nếu thất bại với dự án này.

Start-up chấp nhận bán nhà để trả nợ cho Shark nếu thất bại với dự án này.

Đánh giá tốc độ tăng trưởng doanh số GMV của Triip sau hơn 5 năm nữa chỉ đạt đến mức hòa vốn, Shark Đỗ Liên, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Ngọc Thủy và Shark Dzung Nguyễn lần lượt rời bỏ “cuộc chơi”.

Còn lại, Shark Nguyễn Thanh Việt đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần của Triip. CEO Triip thương lượng: “Em hoàn toàn có thể ký với Shark 500.000 USD cho trái phiếu chuyển đổi. Trong trường hợp trong 3 năm sau công ty không còn tiền thì em sẽ trả lại cho Shark toàn bộ số tiền. Trường hợp em không có tiền, em còn nhà để bán trả Shark”.

Quyết không nhượng bộ start-up, Shark Việt nói: “500 nghìn là một con số rất lớn đối với anh. Các Shark kia bỏ đi hết rồi, chỉ còn anh thôi, em nên cân nhắc. Đây cũng là một sự mạo hiểm với anh”.

Cuộc thương lượng giữa Shark và start-up chỉ dừng lại cho đến khi CEO Triip đề nghị 500 nghìn USD cho 6,6% cổ phần kèm điều kiện. Trong đó, 5% là cổ phần trực tiếp, 1,6% là cổ phần dành cho nhân viên, mỗi tuần Shark dành cho start-up 1 giờ làm việc.

Với quyết tâm và sự chân thành, CEO của Triip đã thuyết phục được Shark Việt nhún nhường ở con số 6,6% cổ phần. Thương vụ đã thiết lập nên một tiền lệ nhận đầu tư chưa từng có từ “cá mập” vốn thích chiếm nhiều % cổ phần để nắm quyền chi phối startup.

Đi gọi vốn “hộ”, cô gái trẻ vẫn thuyết phục “cá mập” đầu tư 10 tỷ

Thay mặt người sáng lập dự án đi gọi vốn, cô gái trẻ đã kêu gọi đầu tư thành công 10 tỷ đồng. Có thể nói, đây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN