Rời Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lọt top 10 phụ nữ giàu có

Cuộc ly hôn nghìn tỷ khép lại, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải chấp nhận “rời” khỏi Trung Nguyên khi tài sản được phân chia theo tỷ lệ 60/40 và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là linh hồn của Trung Nguyên. Mất Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn lại gì?

Chiều 27.3, TAND TP.HCM đã ra phán quyết kết thúc cuộc ly hôn nghìn tỷ của ông bà chủ Tập đoàn Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo đó, tài sản sẽ được chia theo tỷ lệ ông Đặng Lê Nguyên Vũ 60%, bà Lê Hoàng Diệp Thảo 40%. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải giao tất cả cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ và nhận lại phần giá trị chênh lệch bằng tiền.

Rời” Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận tài sản 3.000 tỷ

Cụ thể, tài sản tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là 26 bất động sản nhưng cả hai thống nhất tranh chấp 13 trong số đó, vì những tài sản này đủ điều kiện pháp lý để tòa xử.

Với khối tài sản này, Tòa thống nhất phân chia theo tỷ lệ 50/50 theo ghi nhận sự thoả thuận của hai bên. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỷ đồng, còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỷ đồng. Như vậy, giá trị tài sản là BĐS của mỗi bên có giá trị 362,5 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch, bà Thảo sẽ phải trả lại cho ông Vũ, tương đương 12,5 tỷ đồng.

Rời Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lọt top 10 phụ nữ giàu có - 1

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tham dự phiên xét xử ngày 27.3

Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng, theo xác minh vào thời điểm 2015-2016, số tiền còn tại các ngân hàng đứng tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo như sau: 654,2 tỷ VNĐ; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng. Số tài sản này tương đương với 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phiên xét xử ngày hôm qua, con số 2.100 tỷ đồng này đã điều chỉnh xuống còn khoảng 1.764 tỷ đồng (thay vì 2.100 tỷ đồng tranh cãi ban đầu).

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục quản lý số tài sản gồm tiền, vàng gửi tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng này.

Đối với tỷ lệ phân chia cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung của vợ chồng tại 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên trị giá khoảng 5.737 tỷ đồng, HĐXX tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phần chênh lệch cao hơn bà Lê  Hoàng Diệp Thảo, là 60% (ông Vũ) - 40% (bà Thảo).

Theo phương án phân chia này, số tài sản của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khoảng 4.500 tỷ đồng và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận 40% tương đương hơn 3.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 7.500 tỷ đồng gồm tiền mặt, vàng sở hữu chung và giá trị số cổ phần tại các doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ hôn nhân.

Đồng thời ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ nhận lại toàn bộ số cổ phần Trung Nguyên và hoàn tiền cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo để đảm bảo việc tập đoàn Trung Nguyên sẽ kinh doanh, sản xuất ổn định.

Sau khi đối trừ tất cả (kể cả khoản tiền 1.764 tỷ đồng do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã sử dụng và 12,5 tỷ chênh lệch từ phân chia bất động sản), HĐXX tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ có nghĩa vụ thanh toán phần chênh lệch cho bà Thảo là hơn 1.220 tỷ đồng. Nhận về số tiền này, Trung Nguyên sẽ do Đặng Lê Nguyên Vũ điều hành và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ không còn gì tại Trung Nguyên.

Rời Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lọt top 10 phụ nữ giàu có - 2

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải "rời" Trung Nguyên

Nhìn nhận về phán quyết của Tòa án trong vụ ly hôn nghìn tỷ, giới luật sư cho rằng, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn trên nguyên tắc là chia đôi 50/50, có xem xét công tạo lập, phát triển nên tài sản. Đây là nguyên tắc chung từ trước đến nay.

“Đối với vợ chồng chia đôi chỉ là phương án tối thiểu nhất, bình thường nhất. Phương án phân chia tài sản giữa ông Vũ bà bà Thảo đúng hay sai phụ thuộc vào việc xem xét công sức đóng góp của 2 bên. Nếu xem xét đúng công sức thì phương án chia là đúng, nhưng nếu đánh giá nhầm công sức đóng góp ví dụ như người đóng ít thì lại bảo đóng nhiều, người đóng nhiều lại bảo đóng ít, thì phương án phân chia tài sản sẽ không còn chính xác nữa”, một luật sư khuyến nghị.

Tất nhiên, nếu các bên thấy phán xét của tòa án là chưa phù hợp, đều có thể đứng ra kháng cáo.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo giàu cỡ nào?

Sau ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có trong tay khối tài sản bao gồm 362,5 tỷ đồng từ phân chia tài sản là Bất động sản; Tiền, vàng ngoại tệ và số tài sản là cổ phần tại Trung Nguyên trị giá 3.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính khối tài sản này, bà Thảo có xấp xỉ 3.400 tỷ sau ly hôn.

Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn có những bất động sản đứng tên bà là tài sản riêng, không phân chia tại tòa. Bà còn là Tổng giám đốc TNI Corporation, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee với kế hoạch 1.000 cửa hàng được mở tại Mỹ và các quốc gia khác.

Rời Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lọt top 10 phụ nữ giàu có - 3

Thử so sánh gần 3.400 tỷ đồng tài sản ròng sau vụ ly hôn với khối tài sản chứng khoán của các doanh nhân Việt trên sàn chứng khoán tính tới thời điểm hiện tại (28.3), bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng sẽ lọt vào top 20 người giàu nhất Việt Nam và đứng vị trí 16 sau bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, người sở hữu gần 43% vốn doanh nghiệp này.

Còn nếu chỉ so trong nhóm các nữ doanh nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có mặt trong top 10 người giàu nhất, ở vị trí thứ 6. Số tài sản của bà Lê  Hoàng Diệp Thảo gấp đôi số tài sản trên sàn của công chúa mía đường Đặng Huỳnh Ức My, con gái ông Đặng Văn Thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh ([Tên nguồn])
Vụ ly hôn của "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN