'Mượn' dự án khủng, chữ ký tươi của tỷ phú, gọi tiền đầu tư lấy lãi sau 15 phút

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đối tượng giả mạo chữ ký của tỷ phú Trần Đình Long, lập website nhái của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay dựng hãng phim, kênh truyền hình... với mồi nhử lãi suất cao, lợi ích lớn để lừa đảo.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long vừa nhận được thông tin về việc nhiều cá nhân/tổ chức mạo danh họ để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng các thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.

Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát bị các đối tượng làm giả hồ sơ, chữ ký và con dấu. Đối tượng lừa đảo đã lấy tất cả logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của tập đoàn để tạo ra các trang web như http://hoaphat.cc/mobile/index.html; https://hptrading.site/ với những lời kêu gọi đầu tư đầy hấp dẫn. 

Đơn cử, các đối tượng đưa ra dự án phát triển sản xuất thép nội địa quy mô 253 tỷ đồng (đã đạt tiến độ tới 48%), kêu gọi cần đầu tư ngay. Đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ được hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%.

Đây là mức lãi suất rất cao, bởi sau một tiếng sẽ được hưởng 5,28% và một ngày sẽ là gần 127%.

Tập đoàn Hòa Phát cảnh báo về hiện tượng các đối tượng lừa đảo dùng logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của tập đoàn này để kêu gọi đầu tư. Ảnh: HPG

Tập đoàn Hòa Phát cảnh báo về hiện tượng các đối tượng lừa đảo dùng logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của tập đoàn này để kêu gọi đầu tư. Ảnh: HPG

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn làm giả cả quyết định điều chuyển nhân sự của Tập đoàn Hòa Phát.

Thậm chí, các đối tượng này còn giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, “ký tươi, đóng dấu đỏ”, làm thành thông báo “chấn chỉnh quy định thực hiện giờ giấc, chấp hành nội quy, quy chế, quy định của công ty trong giai đoạn thực hiện triển khai dự án”.

Tương tự, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bị các đối tượng cá nhân/tổ chức giả mạo, lập website na ná giống hệ sinh thái Vingroup để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.

Trên một trang web có tên Vinvn.in..., đối tượng lừa đảo đưa ra 'miếng mồi' lôi kéo người nhẹ dạ là có các cơ hội đầu tư rất hấp dẫn với loạt “quỹ dự án của Tập đoàn Vingroup”

Đối tượng lừa đảo vẽ ra các "quỹ phát triển" thương mại dịch vụ. y tế, công nghệ... có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, đạt tiến độ tới 72% và mời gọi đầu tư mức tối thiểu 30 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%. Hoặc đầu tư mức tối thiểu 100 triệu đồng, sau 30 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 4,23%.

Quỹ phát triển công nghệ công nghiệp (gắn logo VinFast) có quy mô 6.656 tỷ đồng, đã đạt tiến độ tới 89%. Với đầu tư mức tối thiểu 300 triệu đồng, sau 30 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 5,56%...

Đối tượng lừa đảo kêu gọi đầu tư vào dự án có gắn logo Vinmec.

Đối tượng lừa đảo kêu gọi đầu tư vào dự án có gắn logo Vinmec.

Trong khoảng 2 năm gần đây, các đối tượng xưng là nhân viên một số công ty chứng khoán lớn như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect, Chứng khoán MBS,... hàng ngày gọi điện cả chục lần, chào mời mọi người vào các hội nhóm zalo để được tư vấn đầu tư chứng khoán, hàng hóa quốc tế... Không ít người đã mất khoản tiền lớn khi bị lừa tham gia vào các sàn giao dịch, sau đó không rút được tiền về.

Nhiều công ty chứng khoán cũng bị giả mạo website, logo, thông tin hình ảnh của công ty, lãnh đạo công ty.

Mạo danh doanh nghiệp nổi tiếng, đánh vào lòng tham để lừa đảo

Phản hồi về vấn đề này, Hòa Phát khẳng định không kêu gọi đầu tư vào bất kỳ một dự án nào của tập đoàn. Tập đoàn đã nhiều lần cảnh báo trên website và các kênh truyền thông, lập vi bằng và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Bởi, kể cả khi tuyển dụng người lao động, tập đoàn cũng không bao giờ yêu cầu ứng viên cung cấp bất kỳ loại thông tin tài chính hoặc thông tin cá nhân nhạy cảm nào qua điện thoại/email/mạng xã hội hay đề nghị ứng viên tạm ứng bất kỳ một khoản tiền nào để được phỏng vấn.

Trên thực tế, rất nhiều người dân bị lừa đảo qua các hình thức khác nhau, số tiền bị mất là rất lớn. Tuy nhiên, cách thức lừa đảo phổ biến là mạo danh/mượn các nhân vật nổi tiếng, thương hiệu nổi tiếng; kèm với đó là mồi nhử lãi suất cao, lợi ích lớn.

Vì vậy người dân cần tỉnh táo, xác minh rõ thông tin trước những lời mời đầu tư lãi suất hấp dẫn.

Hồi giữa tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Khuyên, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tâm Lộc Phát, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, huy động vốn từ hàng nghìn nhà đầu tư và hứa trả lãi cao, rồi chiếm đoạt tiền trị giá nghìn tỷ đồng.

Đối tượng lừa đảo kêu gọi đầu tư vào giáo dục.

Đối tượng lừa đảo kêu gọi đầu tư vào giáo dục.

Tâm Lộc Phát liên tục tổ chức các sự kiện, với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ, diễn viên cũng như youtuber hài nổi tiếng tại Việt Nam; đồng thời phô trương trên website về "quy mô khủng" của doanh nghiệp.

Đáng chú ý là mức lãi rất hấp dẫn. Nhóm bà Khuyên đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng (khoảng 2,93%/tháng). Tâm Lộc Phát huy động vốn theo hình thức trả lãi cao, lấy tiền của người sau trả cho người trước giống mô hình ponzi.

Hay vụ việc Sen Tài Thu huy động hơn 1.000 tỷ đồng với lãi suất cao dù doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán. Việc huy động được thực hiện dưới danh nghĩa mua bán cổ phần, lãi suất cam kết lên tới 12%/năm hoặc huy động tiền của người sau trả cho người trước. Ngoài lãi suất trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chi phần trăm hoa hồng rất lớn cho đội ngũ nhân viên sale.

Hồi tháng 11/2023, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Mỹ Hạnh (SN 1980), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bà Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều địa phương, huy động hơn 1.200 tỷ đồng của nhiều cá nhân rồi chiếm đoạt.

Với trường hợp tổ chức lừa đảo ở trong nước, người bị lừa có thể đòi được một phần tiền nhờ vào tài sản còn lại của doanh nghiệp. Song, nếu vụ việc lừa đảo được thực hiện trên không gian mạng, xuyên biên giới, người bị lừa gần như mất trắng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhu cầu vàng miếng SJC của người dân tăng mạnh nhưng lại rất khó để mua, điều này tạo cơ hội cho những chiêu trò lừa đảo phát sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN