Bệnh viện, phòng khám tư nhân lao đao vì Covid-19

Cả nước có hơn 400 bệnh viện tư, 40.000 phòng khám tư. Nếu không được “hà hơi tiếp sức” thì không ít cơ sở y tế tư nhân phải chấp nhận đóng cửa.

Dù khó khăn song BV Đa khoa Hồng Phát vẫn phải siết chặt phòng dịch đảm bảo an toàn

Dù khó khăn song BV Đa khoa Hồng Phát vẫn phải siết chặt phòng dịch đảm bảo an toàn

Dịch bệnh kéo dài, bệnh nhân vắng bóng, các bệnh viện, phòng khám tư phải đối mặt với việc doanh thu giảm sút. Nhiều bệnh viện buộc phải bố trí nhân viên làm luân phiên.

Nguồn thu giảm 80%

Năm 2018, BV Trí Đức gặp sự cố y khoa, phòng mổ buộc phải đóng cửa. Hơn 1 năm “khám bệnh mà không được chữa bệnh”, nguồn thu giảm sút nghiêm trọng.

Tháng 6/2019, BV quyết định chuyển tên thành BV Đa khoa Hồng Phát mong “đổi vận”. Tuy nhiên, đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, lượng bệnh nhân giảm sút, toàn BV lại bước vào giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.

Ông Nguyễn Đức Văn, Phó giám đốc BV Đa khoa Hồng Phát chia sẻ, sau 4 đợt dịch, đến nay doanh thu của Hồng Phát chỉ đạt khoảng 15 - 20%. Trong khi đó, riêng tiền thuê mặt bằng đã chiếm 1/3 chi phí.

Khó khăn liên tiếp, ban lãnh đạo BV luôn trong tình trạng căng như dây đàn, mất ăn mất ngủ để không một ai trong số 200 cán bộ, nhân viên phải nghỉ việc. Do phải bố trí nghỉ làm luân phiên nên mức thu nhập của người lao động cũng bị giảm từ 40 - 50%.

Trong khi BV tìm mọi cách tiết giảm chi phí nhân sự, hoạt động chuyên môn thì chi phí phòng dịch lại bị phình ra.

“Chúng tôi buộc phải dành 2 phòng khám chuyên môn để làm phòng khám hô hấp và cách ly. Ngoài ra bố trí đội ngũ nhân viên túc trực bên ngoài chốt chặn, đo thân nhiệt, khai báo y tế, khử khuẩn, test nhanh, khám sàng lọc… kèm theo đó là phát sinh hàng loạt chi phí về vật tư tiêu hao, quần áo bảo hộ tới in ấn tuyên truyền, rác thải y tế...”, ông Văn cho biết.

Đến thời điểm này, nhà đầu tư BV Đa khoa Hồng Phát đã phải vay ngân hàng và huy động từ nhiều nguồn lực khác để cố gắng duy trì hoạt động.

Trong một tình thế khác, dù đã tự chủ về cơ sở hạ tầng, nguồn lực cũng đã được tích lũy song BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng khó tránh khỏi lao đao bởi đại dịch Covid-19 kéo dài. Từ ngày dịch bệnh xảy ra, doanh thu của BV đã giảm 50%. Ngoài những hoạt động thiết yếu, tiếp nhận ca bệnh nguy cấp, tất cả những dịch vụ khác đều bị sụt giảm, thậm chí về 0.

Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT BV Đa khoa Hùng Vương cho biết, chi phí hoạt động tối thiểu của BV khoảng hơn 10 tỷ đồng song tới thời điểm này nguồn thu đang bị hụt khoảng 30%. Bù lại, BV đã phải lần tới quỹ dự phòng mà ban lãnh đạo vẫn nói vui là “cắt thịt bụng ra mà ăn”.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi cũng buộc phải cắt giảm thu nhập của tất cả các vị trí từ thấp tới cao. Cụ thể, bộ phân thu nhập thấp như điều dưỡng có mức giảm thấp nhất 10%, cao nhất là đội ngũ lãnh đạo giảm từ 30 - 40%”, ông Học nói.

Khi được hỏi về chặng đường tiếp theo, ông Học lắc đầu “khó có thể nói trước”! “Chi phí nào cắt giảm được đều đã làm nhưng đầu tư phòng, chống dịch vẫn phải tìm nguồn vốn để chi.

Chỉ tính riêng máy Realtime RT-PCR để phục vụ xét nghiệm Covid-19 trong nội bộ đã phải chi 5 tỷ đồng, chưa kể hàng loạt chi phí dự phòng khác. Đây là đầu tư an toàn bắt buộc phải có chứ không phải đầu tư có lãi”, ông Học cho biết.

Sẽ “chết’ nếu không được tiếp sức

Ông Phạm Văn Học nhận định, nếu tình hình khó khăn còn diễn ra trong khoảng 1 năm nữa, chắc chắn nhiều bệnh viện và phòng khám tư sẽ phải phá sản khi cung nhiều cầu ít, không còn khả năng tái đầu tư, đội ngũ nhân viên rệu rã... “Trong bối cảnh này, hệ thống y tế tư sẽ rơi vào tình thế bấp bênh nguy hiểm”, ông Học nói.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho hay, tùy từng khu vực, trung bình các đơn vị y tế tư nhân thời gian qua đều bị giảm sút nguồn thu từ 30 - 50%

Mặc dù khó khăn nhưng nhiều BV tư vẫn sẵn sàng cung cấp nhân lực, trang thiết bị máy móc, hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đơn cử, BV Đa khoa Anh Quất (Bắc Giang) đề nghị trở thành bệnh viện dã chiến; BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cử đội ngũ y, bác sỹ tham gia tuyến đầu phòng chống dịch; BV Đa khoa Quốc tế Hải Phòng hay BV Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị để phục vụ phòng, chống dịch tại địa phương…

Theo ông Đệ, trên cả nước hiện có hơn 400 bệnh viện tư và 40.000 phòng khám tư. Chỉ tính riêng khối bệnh viện tư, ngoài 100 đơn vị được xếp vào nhóm chất lượng cao tương đương với bệnh viện tuyến đầu thì số còn lại đều chung tình trạng nguồn lực mỏng, nguy cơ đóng cửa rất cao nếu rơi vào tình trạng khó khăn từ 5 - 7 tháng.

“Để xây dựng bệnh viện tư, có tới 85% chủ đầu tư phải vay ngân hàng. Để duy trì hoạt động, mua sắm thiết bị, các nhà đầu tư này cũng phải tiếp tục vay vốn. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, nếu không được “hà hơi tiếp sức” thì không ít cơ sở y tế tư nhân phải chấp nhận đóng cửa. Và khi mạng lưới y tế tư nhân giảm sút, hậu quả sẽ dồn gánh nặng khám, chữa bệnh sang khu vực công vốn đã trong tình trạng quá tải”, ông Đệ phân tích.

Trên cơ sở đó, ông Đệ kiến nghị, cơ sở y tế tư nhân cần được tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp, đồng thời hoãn giãn các khoản thuế, phí trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp vận tải “đắp chiếu” 90% xe, không có đường lùi vì Covid-19

Hơn 1 năm hứng chịu liên tiếp 4 “trận đánh úp” của Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải điêu đứng, lái xe...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Trịnh ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN