Vụ phụ huynh vác dao bắt hiệu trưởng xin lỗi: “Thương nhất là 2 đứa trẻ”

Sự kiện: Giáo dục

Theo PGS Trần Thành Nam, không phải phụ huynh hay hiệu trưởng mà chính 2 đứa trẻ mới là những người đáng thương trong vụ phụ huynh vác dao bắt hiệu trưởng xin lỗi ở Hà Tĩnh.

Nhiều bài học cần rút ra

Mới đây một vụ việc gây chấn động khi một phụ huynh ở Hà Tĩnh vác dao xông vào trường dọa chém nhiều giáo viên, bắt hiệu trưởng nhà trường phải quỳ xin lỗi. Được biết, lý do phụ huynh này hành động là hiệu trưởng đã nhắc nhở 2 con của phụ huynh này trong buổi chào cờ vì không đóng tiền bảo hiểm.

Nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: NLĐ).

Nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: NLĐ).

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Hình ảnh phụ huynh cầm dao bắt hiệu trưởng xin lỗi là hình ảnh gây đau lòng cho những người làm nghề giáo”.

PGS Thành Nam cho biết có nhiều suy ngẫm qua vụ việc lần này. “Qua đây cũng phản ánh rằng, bây giờ vị thế của thầy giáo bị giảm sút, yêu cầu cao nhưng nguy cơ và nguy hiểm có nhiều.

Nếu bản thân thầy giáo bị ứng xử thiếu tôn trọng thế này thì làm sao có thể toàn tâm, toàn ý giáo dục con em chúng ta? Nếu xã hội không tôn trọng đúng mức thì làm sao họ có thể có vị thế dạy được con em chúng ta? Thầy giáo dạy cho đứa trẻ bằng nhân cách, thầy giáo có thể dạy cho đứa trẻ trở thành người có giá trị nhưng nếu trong mắt bố mẹ không coi trọng thì làm sao thầy giáo dạy được cho các con?

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận, bài học ứng xử, sơ suất của người thầy có thể dẫn tới hệ quả như thế nào. Chỉ cần thầy giáo ứng xử không mô phạm chút thôi đã dẫn tới nguy cơ cho cả một ngôi trường, trở thành sự kiện truyền thông tiêu cực của cả nước. Vụ việc lần này thầy hiệu trưởng loa thông báo trước cả trường là không tôn trọng đứa trẻ, làm cho đứa trẻ xấu hổ. bản thân người làm công tác sư phạm cần phải có chuẩn mực.

Bên cạnh đó là bài học về công tác an toàn trường học. Sau thời gian trải qua đại dịch Covid-19 dường như an ninh trường học an toàn là dấu chấm hỏi lớn. Vụ việc ở Hà Tĩnh chỉ là một sự kiện nhưng cũng đánh động đến các ngôi trường. Chúng ta đang bỏ qua một số nguyên tắc an toàn tối thiểu cho cán bộ và học sinh trong nhà trường. Phụ huynh ra vào trường tự do, cầm dao vào đe dọa hiệu trưởng, giáo viên thì làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh trong đó. Nguyên tắc tiếp khách trong trường dường như không theo quy trình cũ, có phần nơi lỏng.

Sau đại dịch chúng ta thấy sự căng thẳng, áp lực của xã hội làm cho phụ huynh mất bình tĩnh hơn, có cách ứng xử theo kiểu “xù lông nhím” với hành động bộc phát, chưa trưởng thành. Nhà trường cần có cách thức nhận diện nguy cơ, có khuynh hướng ứng xử nguy hiểm để có cách thức ứng xử phù hợp”.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, hiệu trưởng bị điều chuyển công tác, phụ huynh bị khởi tố, PGS Thành Nam bày tỏ: “Đây là cái kết không ai muốn. Phụ huynh vác dao đe dọa hiệu trưởng quỳ xin lỗi là bài học cảnh tỉnh cần xử lý nghiêm. Thầy giáo cần có sự kiểm điểm nghiêm túc bởi vì thầy nhắc nhở học sinh trong buổi chào cờ. Hiệu trưởng cũng không đảm bảo an toàn trong việc ra vào trường, bản thân thầy cũng bị khống chế”.

PGS Nam nêu quan điểm: “Làm giáo viên, yêu cầu công việc rất nhiều và nguy cơ nghề nghiệp luôn thường trực. Nếu muốn bảo vệ giáo viên, ngoài việc tăng lương thì phải tìm cách bảo vệ quyền lợi cho họ. Trong những tình huống như thế này, chỉ cần sơ suất là giáo viên  cũng mất đi bao nhiêu năm cố gắng cho sự nghiệp.

Tôi nghĩ đến việc cần phải có bảo hiểm sơ suất nghề nghiệp để có những hỗ trợ khi họ chuyển việc. Không ai đảm bảo mình không gặp sơ suất. Sai thì bị kỷ luật, tôi ủng hộ nhưng cũng cần có bảo hiểm để họ tiếp tục sống cho tương lai của họ”.

“Người lớn chúng ta chỉ tiện việc cho mình”

Trước câu hỏi có phải hiện nay nghề giáo “xấu xí” hơn trong mắt học sinh, phụ huynh, PGS Trần Thành Nam đồng tình và cho rằng: “Thẳng thắn mà nói, giáo viên phải làm những việc không phải trách nhiệm của họ nhưng cũng có những việc họ muốn làm vì có thêm một khoản thu nhập. Chúng ta phải có chính sách thế nào để họ không phải sống dựa vào những nhiệm vụ không đúng vai. Những việc đó gây nên những dư luận trái chiều và đôi lúc làm hạ thấp uy tín, vị thế của giáo viên. Hình ảnh giáo viên bây giờ “cái gì cũng dính đến tiền”.

Tuy nhiên, điều này phải có trách nhiệm của quản lý cấp trên. Tại sao lại giao công việc trái với nhiệm vụ họ phải thực hiện. Hãy để giáo viên được làm đúng chuyên môn, đúng vai để khẳng định đúng vị thế của họ. Tôi biết có những ngôi trường, hiệu trưởng bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ của cấp trên để lấy thành tích. Có những trường được cấp trên đầu tư nên các đoàn khách Bộ, Sở, ngành nào đến thì trường đó phải đứng ra tiếp. Trường không có nguồn nào để quyết toán nên phải thu bằng khoản nào đó mà chúng ta hay gọi là lạm thu. Trong bối cảnh phụ huynh đang rất căng thẳng, áp lực về tài chính thì vấn đề đó được nhìn tiêu cực và dễ có phản ứng mạnh mẽ quá mức”.

Theo PGS Nam, nếu có một quy tắc rõ ràng về quy tắc ứng xử của phụ huynh thì họ sẽ không làm như thế. Nếu con em mình bị vi phạm quyền, bị xâm hại, chúng ta được phép đến trường kiến nghị rằng: “Có sự việc này xảy ra… Tôi không đồng ý với sự việc này… Theo tôi sự việc này là xâm hại, đề nghị nhà trường giải quyết hoặc đưa ra phương án để xử lý…’.

Nếu phương án xử lý không hài lòng, phụ huynh có thể kiến nghị lên cấp trên hoặc nếu vụ việc không được giải quyết, phụ huynh có thể chia sẻ với phóng viên, truyền thông. Có rất nhiều cách thức giải quyết chứ không nên hành xử theo cách không “trưởng thành”, theo cảm xúc cá nhân tự xử như thế.

Với tôi, vụ việc này thương nhất là 2 đứa trẻ. Không biết sau này các em có còn được học ở trường này hay trường nào được nữa không? Quá trình đến trường có gặp trục trặc gì nữa không? Ngay cả khi được quay trở lại trường có học hành được tốt không?...

Người lớn chúng ta chỉ muốn tiện việc cho mình. Hiệu trưởng tiện việc cho hiệu trưởng, phụ huynh tiện việc cho phụ huynh mà không nghĩ có thể ảnh hưởng đến người khác thế nào. Nếu hiệu trưởng nghĩ việc phát loa như thế ảnh hưởng đến học sinh thì sẽ không làm như vậy. Phụ huynh trước khi vác dao đến trường nghĩ đến việc có ảnh hưởng đến con không, mình làm thế thì con sẽ thế nào và nếu muốn con học tiếp ở trường thì sẽ không làm thế. Dường như các cá nhân chỉ muốn đặt mình vào trung tâm. Nếu đặt đứa trẻ vào trung tâm thì những hành động đó đã không xảy ra”.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau vụ nam sinh nhảy từ tầng 3 xuống: Cần làm gì để con thoát khỏi bạo lực học đường?

PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ sau vụ việc một nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất do bạn trêu đùa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DIỆU ANH ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN