Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH thuộc top 1000 thế giới

Sự kiện: Giáo dục

Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Việt Nam có 4 trường ĐH lọt top 1000 trường tốt nhất thế giới.

Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH thuộc top 1000 thế giới - 1

ĐH Quốc gia Hà Nội là 1 trong 2 ĐH của Việt Nam lọt top 1000 ĐH thế giới theo xếp hạng của QS năm 2018

Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025. Theo Đề án này, mục tiêu đến năm 2025, Có ít nhất 02 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 400 trường ĐH tốt nhất Châu Á, 04 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Đến năm 2025, 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% giảng viên ĐH có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ;

Trên 30% cơ sở giáo dục ĐH có ít nhất 03 đề tài, chương trình hoặc dự án hợp tác với nước ngoài trong nghiên cứu khoa học hằng năm; trên 50% cơ sở giáo dục ĐH thực hiện được ít nhất 02 đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ cho các tổ chức trong và ngoài nước; Trên 50% cơ sở giáo dục ĐH tổ chức được ít nhất 01 hội thảo quốc tế hằng năm; Có ít nhất 10 tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học trong nước được nâng cấp đạt chuẩn của các tạp chí quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới…

Hình thành trung tâm thực hành, thí nghiệm dùng chung

Để đạt được những mục tiêu như trên, trong đề án cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục ĐH gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả.

Thực hiện giải thể hoặc sáp nhập các cơ sở giáo dục ĐH hoạt động không hiệu quả; rà soát và dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chậm đổi mới hoặc không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đổi mới và hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, các tiêu chuẩn giảng viên đại học theo chức danh và trình độ. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm;

Quan tâm chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện trả lương theo hiệu quả công việc; Lựa chọn, cử giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác; Thu hút giảng viên là người nước ngoài, Việt kiều hoặc người Việt Nam đang làm việc, giảng dạy ở nước ngoài tham gia các chương trình giảng dạy và đào tạo trong nước, đặc biệt là các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đồng thời, nhà nước hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số cơ sở giáo dục ĐH theo chuẩn quốc tế, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đủ sức cạnh tranh với các trường đại học có uy tín trong khu vực;

Hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế thu hút các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế; Xây dựng và triển khai Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học. Hoàn thiện cơ chế đầu tư cho cơ sở giáo dục ĐH theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, lấy hạt nhân là các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến.

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng cơ sở giáo dục đại học trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; cơ chế kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học trong việc tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định và thực hiện các chương trình đào tạo.

Năm 2019: Các trường đại học “tốp trên” tuyển sinh như thế nào?

Kỳ tuyển sinh năm 2019, nhiều trường đại học “tốp trên” ngoài mở thêm các ngành đào tạo, các trường còn mở rộng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN