Vì sao nhiều cha mẹ không thể “kết nối” với con trẻ?

Sự kiện: Giáo dục

“Có phụ huynh chia sẻ, họ không thể kết nối với con, cứ nói 3 câu là cha mẹ và con cái lại to tiếng”, PGS.TS. Trần Thành Nam chia sẻ.

Chiều 23/5, tại Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kết nối và sẻ chia”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên Đại học Giáo dục; Nhà giáo Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên và các chuyên gia tâm lý, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đã giải đáp thắc mắc của học sinh và lắng nghe, tâm tư của các em đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp các em chủ động, biết cách vượt qua khó khăn, giải quyết các tình huống “có vấn đề” trong học tập và cuộc sống, giúp cha mẹ và học sinh hiểu nhau hơn.

Các em học sinh gửi đến các chuyên gia về những tâm tư của mình.

Các em học sinh gửi đến các chuyên gia về những tâm tư của mình.

Nhiều câu hỏi của tuổi học trò đã được các chuyên gia, nhà giáo dục giải đáp như:  Làm sao khi ở nhà cha mẹ hay thất vọng, mắng con và cha mẹ luôn nhận phần đúng, con cái luôn sai? Vì sao nhiều cha mẹ không thể “kết nối” với con trẻ?...

PGS.TS. Trần Thành Nam kể: “Có phụ huynh chia sẻ, họ không thể kết nối với con, cứ nói 3 câu là cha mẹ và con cái lại to tiếng”.

Lý giải tình trạng này, PGS.Nam cho rằng, khi cha mẹ càng kiểm soát, càng đưa ra những ý kiến áp đặt thì con càng có xu hướng chống đối. Nhưng khi chúng ta tôn trọng, con sẽ cư xử tích cực và dần có trách nhiệm hơn với các quyết định của mình.

PGS.TS. Trần Thành Nam chia sẻ với phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. 

PGS.TS. Trần Thành Nam chia sẻ với phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. 

Các bậc phụ huynh hãy cho con thử làm những điều con muốn, có thể sẽ gặp thất bại, nhưng, con sẽ nhận ra được mình mạnh điểm nào, yếu điểm nào. Khi đó chính là cơ hội để cha mẹ ngồi xuống trò chuyện, định hướng cùng con.

Chuyên gia khuyên cha mẹ hãy tạo thói quen dành thời gian trò chuyện cùng con hàng ngày và thực hiện theo nguyên tắc không hỏi, không chỉ dẫn, không chỉ trích, cha mẹ chỉ lắng nghe con nói. Lâu dần mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ được cải thiện hơn.

Cũng theo PGS.TS. Trần Thành Nam, con ứng xử sai là vì con muốn cha mẹ dừng công việc lại để nói chuyện với con. Con ứng xử sai là do con cô đơn quá nên con kết nối với các nhóm bạn (cả nhóm tích cực và nhóm tiêu cực).

Vì vậy, cha mẹ hãy nói cho con biết, kể cả con có hành vi sai thì con là người rất có giá trị, được bố mẹ bảo vệ.

Nhà giáo Vương Hương Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng đều cùng chung mong ước nuôi dưỡng, giáo dục, chăm lo cho con em một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Xung quanh các em là bạn bè, thầy cô, cha mẹ, những người luôn đồng hành và luôn sẵn sàng thay đổi để làm bạn với các em. Mỗi thầy có, mỗi người cha, người mẹ được các em tin cậy trao cơ hội là điểm tựa tinh thần cho các em khi gặp khó khăn.

Nguồn: [Link nguồn]

Những lưu ý cho giáo viên và phụ huynh khi trẻ đến tuổi dậy thì

Trẻ dậy thì sẽ có rất nhiều thay đổi từ hình thể đến tâm lý và sinh lý. Vì thế nếu giáo viên, cha mẹ không nắm bắt kịp thời để hướng tư vấn, sẽ ảnh hưởng đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN