Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Vì sao học lực khá, giỏi không được cộng điểm?

Sự kiện: Giáo dục

Theo quy định, năm học 2019 - 2020 tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ bãi bỏ điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề, không áp dụng cộng điểm đối với học sinh có học lực giỏi, tiên tiến... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng học sinh được tuyển thẳng, cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10.

Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Vì sao học lực khá, giỏi không được cộng điểm? - 1

Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội sẽ không áp dụng cộng điểm đối với học sinh có học lực giỏi, tiên tiến. Ảnh minh họa: Q.Anh

Bỏ cộng điểm học lực giỏi, tiên tiến

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Khác với năm trước, học sinh của kỳ tuyển sinh mới sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn được công bố vào tháng 3/2019. Ngoài ra, điểm xét tuyển được tính là (Điểm thi Toán + Ngữ văn) x 2 + (Điểm Ngoại ngữ + Điểm môn thứ tư) + Điểm cộng thêm. Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10. Như vậy, ngoài tăng số môn gấp đôi so với năm ngoái, việc xét học bạ, duy trì điểm cộng năm học tới đã không còn.

Ủng hộ việc không cộng điểm xét học bạ, trong đó cộng điểm cao cho học lực giỏi, tiên tiến, một giáo viên THPT tại Hà Nội cho biết: “Tổ chức thi 4 môn là phù hợp, trong đó 3 môn biết trước và một môn công bố sau cũng sẽ làm giảm tình trạng học lệch như trước. Trước đây, có yếu tố cộng điểm học sinh giỏi, học sinh tiên tiến qua các năm khiến xảy ra tình trạng lạm phát học sinh giỏi, nâng điểm, sửa điểm để được cộng điểm vào kỳ thi lớp 10, điểm số không thực chất. Nên việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 theo phương án năm nay là lựa chọn tốt, tiến bộ”.

Dù không được “trợ giúp” từ điểm học bạ, song kỳ tuyển sinh năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội vẫn tiếp tục áp dụng hình thức tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường Phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Điều kiện tuyển thẳng: Học sinh hoặc bố, mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và thuộc một trong 4 đối tượng tuyển thẳng ở trên; học sinh chỉ được tuyển thẳng vào một trường THPT: Là trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh nơi học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú thực tế của học sinh. Là trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc THPT ngoài công lập không phân biệt khu vực tuyển sinh. Trường hợp không có nguyện vọng tuyển thẳng thì phải tham gia thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập.

Không còn duy trì cộng điểm học nghề

Theo Quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội được quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm. Năm học 2018 - 2019 vừa qua, Hà Nội đã áp dụng mức điểm cộng cho đối tượng 1 (1,5 điểm), đối tượng 2 (1,0 điểm) và đối tượng 3 là 0,5 điểm.

Học sinh được cộng điểm ưu tiên bao gồm: Nhóm 1: Con liệt sĩ; Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”. Nhóm 2: Con của: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh mất sức lao động dưới 81%; Bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; Người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”. Nhóm 3: Người dân tộc thiểu số; Người học đang sinh sống, học tập ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý, theo Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT ban hành 28/2/2018 của Bộ GD&ĐT quy định năm học 2019 - 2020, bãi bỏ quy định cộng điểm khuyến khích cho học sinh dự tuyển vào THPT. Điều này đồng nghĩa với việc bãi bỏ điểm cộng nghề phổ thông như các năm trước. Về việc bỏ cộng điểm học nghề vào tuyển sinh lớp 10, lãnh đạo một số trường THPT tại Hà Nội cho biết, bỏ cộng điểm nghề vào lớp 10 là phù hợp, bởi thực chất học nghề ở cấp THCS hiện nay không đúng là học nghề, chưa hiệu quả. Tỷ lệ học sinh THCS đăng ký học nghề giảm mạnh trong năm học 2018 - 2019.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: “Cần có quy định rõ hơn đối với các thí sinh cộng điểm thi vào 10 tại Hà Nội để phụ huynh nắm được, cũng tránh trường hợp có thí sinh là người dân tộc ở một tỉnh nào đó nhưng đã ra Hà Nội sinh sống nhưng vẫn được cộng điểm. Điểm học nghề không được cộng điểm vào 10 cũng phù hợp, bởi nhiều học sinh đăng ký học nghề học qua loa cốt chỉ để cộng điểm thêm, mất đi ý nghĩ của việc định hướng nghề”.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong tháng 10/2018, Sở sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 trên cổng thông tin điện tử của ngành và các phương tiện thông tin, truyền thông. Tuy nhiên, chỉ công bố các môn trừ môn Ngữ văn và Toán, bởi hai môn thi này vẫn giữ nguyên so với các kỳ thi trước. Ngoài ra, môn thi thứ tư còn lại sẽ công bố vào tháng 3/2019.

Sửa đổi quy tắc cộng điểm với các đối tượng ưu tiên trong thi THPT quốc gia

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN