Bỏ cộng điểm nghề mới mong dạy nghề thực chất!

Sự kiện: Giáo dục

Việc bỏ cộng điểm là hướng đi đúng nhưng chỉ là một phần, quan trọng hơn là phải cải cách toàn bộ cách dạy nghề hiện nay cho học sinh ở nhà trường.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Đáng chú ý, dự thảo đã bỏ điều khoản về điểm khuyến khích, tức không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, đơn vị tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp, trong đó có nội dung cộng điểm nghề. Nếu dự thảo được thông qua, sắp tới, học sinh (HS) có chứng nhận nghề phổ thông ở cấp THCS xếp loại trung bình trở lên sẽ không được cộng điểm khuyến khích khi tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Ủng hộ bỏ

Biết thông tin này, em HLG, HS Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho rằng em ủng hộ việc bỏ cộng điểm nghề vì tất cả các bạn đều không được cộng điểm nên sẽ không ảnh hưởng gì đến việc thi tuyển sinh. Tuy nhiên, theo G., nên áp dụng cho những khóa lớp chưa theo học nghề để các em khỏi mất thời gian theo học, cũng như dồn sức ôn luyện các môn chính để thi hơn.

Là phụ huynh có con đang học lớp 8 tại Trường THCS Kiến Thiết (quận 3) và cũng đang học nghề tại trường, chị Nguyễn Đan Hà cũng ủng hộ việc bỏ cộng điểm nghề vào kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Chị cho rằng như thế điểm thi sẽ thực chất hơn chứ cộng đến 1,5 điểm thì nó ảo quá, trong khi thực chất của học nghề là để phân luồng hướng nghiệp chứ không phải học để được cộng điểm. Tuy nhiên, theo chị Hà, nếu Bộ giữ chủ trương này và sẽ áp dụng thì lùi thời gian thêm 1-2 năm nữa sẽ hợp lý hơn. Vì hiện các em lớp 9 đã gần đến kỳ thi, thời gian qua đã học nghề nên đã sẵn sàng tâm thế sẽ được cộng điểm rồi nên nếu bỏ ngay thì phụ huynh HS sẽ rất hoang mang.

Ở góc độ nhà trường, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, cho rằng nên bỏ việc cộng điểm nghề vào thi tuyển lớp 10 vì tuyển sinh này mục đích là để phân luồng HS, việc thi lớp 10 là để sàng lọc, phân loại HS có khả năng để theo học tiếp THPT. Hơn nữa, theo lộ trình mỗi năm TP.HCM giảm 3% HS vào công lập nên không cần thiết có nhiều loại cộng điểm khuyến khích như hiện nay.

“Nên chăng chỉ cộng loại điểm nào để khuyến khích năng lực học tập giỏi của các em hoặc phát huy năng khiếu nào đó thôi chứ không nên khuyến khích đại trà nhiều quá” - ông Khoa góp ý.

Bỏ cộng điểm nghề mới mong dạy nghề thực chất! - 1

Một giờ học nghề của HS lớp 8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình. Ảnh: PHẠM ANH

Thầy cô đồng tình nhưng cần có lộ trình

Cô Chu Thị Hải, giáo viên Trường THCS Phan Tây Hồ, cho biết Bộ cần tính toán thời gian áp dụng sao cho phù hợp. Bởi hiện tại HS khối 9 đã hoàn thành chương trình, trong khi đó HS khối 8 cũng vừa học chính khóa vừa phải dành thời gian học nghề. Giờ không được cộng điểm cũng tội nghiệp các em.

Thầy Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, cho biết thầy đồng tình với dự thảo bỏ điểm cộng khuyến khích như thi nghề phổ thông, hay các cuộc thi HS giỏi vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Vì lâu nay nhiều cuộc thi vô tình tạo sức ép lớn đối với HS. Thế nhưng theo thầy Đắc, việc thực hiện cần có lộ trình cũng như tính toán thời gian có hiệu lực để đảm bảo quyền lợi cho HS. Nên chăng áp dụng từ năm học 2018-2019.

Cô Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1, cũng cho biết cô đồng tình với việc bỏ một số loại điểm cộng khuyến khích và việc áp dụng cũng từ năm học tới. Vì đến nay, các em HS đã học nghề hoặc đang luyện tập để tham gia các phong trào thể dục thể thao hoặc đang chuẩn bị cho kỳ thi HS giỏi các bộ môn văn hóa cấp TP. Nếu dự thảo áp dụng ngay, ít nhiều sẽ khiến HS bị hụt hẫng, ảnh hưởng đến tinh thần học tập, thi đấu của các em.

Chỉ nên bỏ cộng điểm nghề

Việc bỏ cộng điểm nghề phổ thông là hợp lý. Bởi thực tế hiện nay, bên cạnh những em chọn học nghề phù hợp với sở thích và nhu cầu của cá nhân thì vẫn còn nhiều HS đăng ký học nghề chỉ để có điểm cộng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Tuy nhiên, điểm cộng cho các em HS tham gia kỳ thi HS giỏi cấp TP về các môn văn hóa thì nên được duy trì vì đây là: Sân chơi bổ ích cho HS. Thực tế, để đạt được HS giỏi của một bộ môn nào đó là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi của các em trong suốt nhiều năm học. Dành thời gian để học sâu hơn về một bộ môn và được cộng điểm khuyến khích khi đạt giải cao thì các em sẽ có thêm động lực để cố gắng. Nếu bỏ điểm cộng, có thể một số HS sẽ không tham gia sân chơi nữa và điều này ít nhiều khuyến khích các em học tập.

Nên chăng cần xem xét lại số điểm cộng và loại giải thưởng được cộng, sao cho phù hợp để đảm bảo tính thực chất và công bằng trong kỳ thi tuyển sinh.

Cô VŨ THỊ PHƯƠNG CHI,Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1, TP.HCM

Bỏ cộng điểm nghề phổ thông: Nên chăng?

Khi điểm số biến thành mục tiêu thì quá trình thực hiện mục tiêu ấy sẽ sai lệch ngay lập tức: Hầu hết học sinh đi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh - Nguyễn Quyên (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN