Từ đề xuất đặt tên phố tại Đà Nẵng: Chữ Quốc ngữ do ai là người sáng tạo ra?

Sự kiện: Giáo dục

Theo một số chuyên gia ngôn ngữ, cả hai giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) đều là những người góp công trong hình thành chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.

Vừa qua, TP.Đà Nẵng đề xuất về đặt tên đường phố trong đó có tên của giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina - những người góp phần hình thành nên chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Cung (ĐH Sư phạm Huế) cùng 11 nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử khác cùng ký đơn kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng không nên đặt tên đường vì họ không phải là người sáng tác ra chữ Quốc ngữ. Vậy thực tế, ai mới là "cha đẻ" của chữ Quốc ngữ?

Không phải bây giờ, mà rất nhiều năm qua, ai mới là người thực sự sáng tác ra chữ Quốc ngữ luôn trở thành chủ đề "nóng", được các nhà ngôn ngữ, khoa học lịch sử trong và ngoài nước có những quan điểm, thông tin, bằng chứng khác nhau về những người đầu tiên sáng lập ra chữ Quốc ngữ.

Tại một hội thảo khoa học về lịch sử được tổ chức tại Quảng Nam (năm 2016), một số nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra bằng chứng và cho rằng, linh mục Francisco De Pina đến Đàng Trong năm 1617, sau đó học tiếng Việt, ông biên soạn tài liệu Phương pháp Latin hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt; dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, trong đó có Alexandre de Rhodes (người sang Việt Nam năm 1624).

Cũng tại Hội thảo nói trên, một số tham luận của đại biểu cho rằng, A.Rhodes không phải là "cha đẻ" của chữ Quốc ngữ (như quan điểm của nhiều học giả kỳ cựu trước đây); đồng thời đánh giá linh mục F.Pina chính là người sáng tạo chữ Quốc ngữ, còn linh mục A.Rhodes là người hoàn thiện xuất sắc.

Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma, Ý.

Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma, Ý.

Nói về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, chữ Quốc ngữ ra đời đã gần 4 thế kỉ (nếu lấy mốc cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (hay còn gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) của A. de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma, Ý. Chữ Quốc ngữ đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Đầu tiên chỉ là sản phẩm sáng tạo của các giáo sĩ châu Âu. Cụ thể như: Gaspa de Amaral, Antonio Barbosa, Marcel Ferreyra (Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine (Pháp), Francesco Busomi, Crisforo Borri (Ý) nhằm thực hiện truyền giáo một cách tốt nhất.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, tên gọi chữ Quốc ngữ (chữ của quốc gia) được dùng lần đầu tiên vào năm 1867 trên tờ Gia Định báo (tờ báo viết bằng chữ Việt mới xuất hiện lần đầu tiên tại Sài Gòn, ngày 15/4/1865). Thực ra, sau khi cuốn Từ điển Việt - Latin của Taberd (xuất bản 1838) thì chữ Quốc ngữ cơ bản được định hình.

Linh mục Francesco de Pina.

Linh mục Francesco de Pina.

Từ lúc ra đời, chữ Quốc ngữ càng phát huy ưu thế của mình do đây là lối viết chữ ghi âm (nói thế nào viết thế ấy) dùng hệ chữ Latin để thể hiện, dễ đọc, dễ nhớ. Chỉ trong một thời gian không dài, số lượng tác phẩm văn thơ do nhân dân sáng tác đã tăng lên chóng mặt. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều tờ báo, ấn phẩm in ấn bằng chữ Quốc ngữ góp phần quan trọng trong đời sống xã hội và làm nên sứ mệnh lịch sử.

Ngoài những người nước ngoài kể trên, khi nói về quá trình hình thành, phát triển của chữ Quốc ngữ còn phải nhắc đến vai trò của người Việt Nam trong cộng tác với giáo sĩ Pina, đó là thanh niên giáo dân có tên đạo là Phêrô cùng với Pina lần đầu tiên dịch một số bản kinh sang tiếng Việt hồi năm 1618, khởi đầu công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin.

Bên cạnh đó, các tên tuổi học giả như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Vĩnh… cùng nhiều người Quảng cũng đã đóng góp tích cực trong việc phổ cập và truyền bá chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20 thông qua phong trào Duy Tân và hoạt động của các chí sĩ đương thời…

Nguồn: [Link nguồn]

Thử tài tiếng Việt xem bạn viết đúng chính tả bao nhiêu từ

Liệu bạn có trả lời đúng hết toàn bộ những câu hỏi này không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN