Tự chủ đại học: Các trường có tăng học phí, ồ ạt mở ngành?

Sự kiện: Giáo dục

Hiện nay, đã có 23 trường đại học (ÐH) được giao cơ chế tự chủ và thu học phí cao hơn so với các trường chưa được tự chủ. Những trường này được tự mở ngành đào tạo. Vấn đề đặt ra, liệu các trường có “lợi dụng” tự chủ để tăng học phí hay ồ ạt mở ngành?

Học phí là một trong những nỗi lo đối với mỗi tân sinh viên. Ảnh: Như Ý

Học phí là một trong những nỗi lo đối với mỗi tân sinh viên. Ảnh: Như Ý

Ngày 9/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đh: Nâng cao chất lượng đào tạo”, đại diện hai trường ĐH đã được tự chủ là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế quốc dân  đã lên tiếng về vấn đề học phí cũng như tự chủ mở ngành.

Ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, học phí của trường được công khai, minh bạch. Năm nay, học phí hệ chính quy dao động từ 18 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng/năm. Các năm tiếp theo, học phí tăng không quá 10%, và mức tăng của trường thường là 5%. Theo ông Chương, với mức học phí hiện nay hoàn toàn đảm bảo cho trường chi thường xuyên và có một phần để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Nhưng về dài hạn, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì khó có đột phá về chất lượng để có thể trở thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Do đó, cần có giải pháp căn bản đối với giáo dục ĐH, đặc biệt là vấn đề tài chính. Mô hình chuẩn là cân đối tài chính được từ 3 nguồn: 1/3 học phí, 1/3 ngân sách, 1/3 xã hội hóa. Bối cảnh hiện nay của Việt Nam, muốn có chất lượng tốt phải đầu tư chiều sâu” - ông Chương nói.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, học phí của sinh viên các trường tự chủ cao hơn các trường chưa được tự chủ nhưng vẫn chưa đủ để chi trả 100% chi phí đào tạo. Mặc dù vậy, học phí sinh viên cũng đóng góp cho chi thường xuyên và đầu tư cơ sở vật chất. Theo ông Sơn, kinh phí để đầu tư xây dựng cơ bản, phòng thí nghiệm phải do Nhà nước đầu tư. Do đó, phải tính rất rõ và phải minh bạch điều này cho sinh viên và dư luận xã hội hiểu.

“Ví dụ như ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi tự chủ, trường đầu tư 200 tỷ đồng vào cơ sở vật chất. Như vậy, sinh viên thấy rõ cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư không dựa vào việc tăng học phí khi thực hiện tự chủ” - ông Hoàng Minh Sơn thông tin. 

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đh, Bộ GD&ĐT cho biết thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, nếu các trường tự chủ đáp ứng được các điều kiện theo yêu cầu (như  đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đh; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đh bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật) thì sẽ được tự xác định mức học phí. Tuy nhiên, vẫn có sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Còn nếu không đáp ứng, thì dù vẫn được tự chủ,việc thu học phí vẫn phải thực hiện theo khung quy định của Chính phủ (Nghị định 86).

Mở ngành phải dự báo được thị trường

Có một thực tế khác là thời gian qua, khi thực hiện tự chủ, một số trường ĐH mở ngành vô tội vạ. Ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, đối với những trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, quan điểm mở ngành là chậm nhưng chắc. “Với một trường ĐH, việc mở ngành không phải  chỉ chạy theo thị trường, còn phải dẫn dắt thị trường, phải dự báo được những ngành thị trường cần trong tương lại ít nhất 5 -7 năm sau” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trách nhiệm của các trường ĐH là nhìn nhận thị trường dài hạn. Chính vì vậy, có những ngành hiện tại tuyển sinh rất khó khăn nhưng không đóng cửa ngay được vì trước mắt, thị trường không có nhu cầu nhưng trong tầm nhìn dài hạn lại cần lao động được đào tạo theo ngành này. Không những thế, các trường mở ngành phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường ĐH tự chủ được tự do mở ngành nhưng trách nhiệm lại lớn hơn và phải nhìn thấy phân khúc thị trường của mình mới tồn tại, phát triển được.

Ông Phạm Hồng Chương cũng khẳng định: “Chúng ta đang thiếu các chuyên gia giỏi, thừa những người không đủ khả năng. Với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi mở ngành, trường dựa vào 2 yếu tố: Ý kiến của những người sử dụng lao động và chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, tất cả các chương trình đào tạo của trường khi được xây dựng đều chứa đựng hàm lượng công nghệ nhất định”.

Nếu chưa đủ tự tin đi thi ”Ai là triệu phú”, hãy trả lời bộ câu hỏi sau

Bạn mất bao nhiêu phút để trả lời đúng hết bộ câu hỏi cân não này?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN