Trẻ mầm non trở lại trường: Chuyên gia ‘mách nước’ phụ huynh

Sự kiện: Giáo dục

Chuyên gia y tế, tâm lý nhấn mạnh việc trẻ dù được tiêm vaccine hay chưa tiêm thì đi học là vô cùng cần thiết.

Sáng qua 13/4, bên cạnh niềm vui con được đi học, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi trẻ mầm non chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Chuyên gia chỉ cách phòng lây nhiễm khi trẻ mầm non trở lại trường

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ trở lại trường từ ngày 13/4 đạt 66,8%. Báo cáo từ các Phòng GD&ĐT cho thấy, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều trường, nhóm lớp đã rà soát, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường.

Toàn thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường, cơ sở mầm non tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh để tiếp tục nâng tỷ lệ trẻ đến trường cao hơn mức trên 80% so với tỷ lệ khảo sát. Ông cũng yêu cầu các trường tuyệt đối không chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Trước băn khoăn, lo lắng của không ít bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh việc trẻ dù được tiêm vaccine hay chưa tiêm thì đi học là vô cùng cần thiết.

Để phòng bệnh cho trẻ, trả lời báo chí, chuyên gia này cho rằng, nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng, để hạn chế tối đa tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi có trẻ dương tính SARS-CoV-2, việc xử lí, khoanh vùng sẽ dễ dàng, gói gọn trong phạm vi hẹp và không ảnh hưởng tới nhóm khác.

"Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu. Khi có trẻ F0, gia đình cho cháu nghỉ học, báo ngay với nhà trường để theo dõi sức khỏe những cháu cùng lớp, nếu thấy xuất hiện sốt, ho, khó thở,… thì cũng cho các trẻ này nghỉ" - ông Phu nói.

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Trước băn khoăn của phụ huynh nào sao để trẻ sau 11 tháng được đến trường suôn sẻ, chuyên gia tâm lý, PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để đưa trẻ trở lại trường bền vững cần “ba sẵn sàng”, bao gồm nhà trường, phụ huynh và học sinh, trong đó cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất.

Theo nhà tâm lý này, với trẻ mầm non, việc được trở lại trường sẽ là một niềm vui rất háo hức Tuy nhiên, trẻ trong 5 năm đầu đời, trẻ hay lấy mình làm trung tâm – trẻ chỉ thấy quan điểm, thấy ý của mình mà thôi.

““Ích kỷ” và thường nói “không” để cảm thấy mình có “quyền hành”... con sẽ rất hiếu động khám phá thế giới vật chất và xã hội, thích “làm” và bắt chước người khác, có thái độ ‘con làm được’ có ‘sáng kiến’ (cách khám phá, cách làm riêng của mình). Vì vậy khi quay trở lại trường sẽ dễ có hành vi sai, làm đổ vỡ, hỏng hóc cái gì đó, dễ bị giáo viên, cha mẹ coi là bướng, là hư”- ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, trong cả một thời gian dài nghỉ ở nhà do dịch, nhiều em phát triển chậm về mặt ngôn ngữ nên nhiều lúc các em không có năng lực thể hiện được ý muốn của mình Đây là khoảng thời gian nhạy cảm với trẻ mầm non.

Vì thế, ông Nam cho rằng, cha mẹ và thầy cô phải hiểu rằng đôi khi con lóng ngóng làm sai làm đổ mọi thứ thậm chí gây sự có “ý đồ” để được sự chú ý của người lớn là điều bình thường. Tuy nhiên nếu cha mẹ và thầy cô phạt quát mắng cũng sẽ gây ra những tổn thương lớn.

“Người lớn cần giúp các em tham gia và cuốn hút vào các trò chơi với hạn để tăng dần khả năng tự điều chỉnh, giúp trẻ học lại những ứng xử đúng về mặt xã hội. Nói không một cách thận trọng và có cân nhắc để giúp trẻ tăng dần khả năng chấp nhận trì hoãn”- ông Nam chỉ ra.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, để quay trở lại trường, cha mẹ hãy tăng cường nói chuyện vào các buổi tối, khi đi dạo hay trước khi lên giường đi ngủ, hoặc tổ chức hoạt động để giúp con sẵn sàng về cả thể chất, trí tuệ, xã hội và tình cảm và cảm thấy ồ đi học thật vui.

Về thể chất, ông Nam cho rằng, hãy nói chuyện với con để hướng dẫn con có thể nói lên nhu cầu của mình một cách mạch lại. Để con tự làm một số việc tự phục vụ bản thân phù hợp. Đặt lại thời gian biểu cho con. Chăm sóc sức khỏe đảm bảo trẻ nghe, nhìn vận động tốt.

Còn về mặt trí tuệ, cùng chơi các trò chơi, nói chuyện về lớp học để con tăng khả năng tập trung, sự tò mò và tâm thế háo hức đi học. Cha mẹ cũng rèn lại các thói quen như khẩu trang, rửa tay... Dạy con ho và hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay hoặc vai nếu không có sẵn khăn giấy.

Về mặt xã hội, ông Nam chỉ ra, cha mẹ giúp con có khả năng liên kết với người lớn và những bạn khác một cách tự tin và thân thiện. Cha mẹ hãy nói về việc chia sẻ đồ chơi và vật dụng cá nhân lành mạnh.

“Về mặt tình cảm, giúp con hình thành thói quen an toàn khi tách khỏi cha mẹ. Đặt ra những nguyên tắc để con kiểm soát cảm xúc và hành vi tốt hơn như không xem tivi hay điện thoại trước giờ đi học”- ông Nam chỉ ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều cô cậu nhóc tỳ nước mắt lưng tròng trong ngày đầu đến trường

Sáng nay (13/4), gần 600.000 trẻ mầm non ở Hà Nội trở lại trường sau gần một năm nghỉ học, ở nhà hoàn toàn. Nhiều trẻ òa khóc không muốn rời xa bố mẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN