Tăng - giảm học phí theo độ “nóng” đào tạo

Hàng loạt thay đổi mức học phí sẽ được áp dụng sau mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Theo đó sẽ có ngành giảm hoặc miễn hoàn toàn học phí nhưng với những ngành “hot” sẽ không nhận được hỗ trợ của nhà nước và đồng nghĩa học phí sẽ tăng cao.

Miễn giảm học phí cho ngành khó tuyển

Hàng loạt ngành khó tuyển năm nay sẽ được miễn giảm học phí hay hỗ trợ chi phí đào tạo. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt Đề án "Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020".

Theo đó, sinh viên theo học 5 chuyên ngành trên sẽ được miễn, giảm học phí. Cụ thể, theo Đề án, đến năm 2020, sẽ đào tạo 2.500 nhân lực thuộc 5 ngành trên. Trong đó, 30 người trình độ tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 170 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 570 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 1.500 bác sĩ đa khoa định hướng chuyên ngành; 200 cử nhân xét nghiệm kỹ thuật định hướng chuyên ngành giải phẫu bệnh và pháp y. Tổng số nhân lực trên được phân bổ như sau: Chuyên ngành lao: 250 nhân lực; chuyên ngành phong 550; chuyên ngành tâm thần 600; chuyên ngành pháp y 550; chuyên ngành giải phẫu bệnh 550.

Theo Đề án này, các trường thuộc ngành y sẽ ưu tiên điểm thi tuyển và duy trì chế độ đào tạo liên thông đối với các sinh viên theo học các chuyên ngành nêu trên. Các sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành này được miễn, giảm học phí đối với tất cả các loại hình đào tạo.

Tăng - giảm học phí theo độ “nóng” đào tạo - 1

Thay đổi về học phí góp phần cơ cấu lại ngành nghề đào tạo

Đáng chú ý, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã thông báo cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản để thu hút thí sinh dự thi. Các ngành được hỗ trợ bao gồm: Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa học vật liệu, Địa lý tự nhiên, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Thủy văn học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học đất, Triết học, Lịch sử, Văn học, Hán nôm, Nhân học, Việt Nam học. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức học phí SV phải đóng theo chương trình đào tạo, dự kiến 4,2 triệu đồng/ năm học.

Ngành “hot” sẽ thu học phí cao

Bên cạnh việc miễn giảm học phí với những ngành khó tuyển, thông tin đáng quan tâm với những thí sinh dự thi năm nay để có những lựa chọn ngành đào tạo phù hợp là chủ trương chia tách những ngành không được nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thí điểm tự chủ học phí theo tinh thần chia thành ba nhóm ngành: nhóm được Nhà nước hỗ trợ học phí hoàn toàn, nhóm được hỗ trợ một phần và nhóm ngành tính đủ học phí cho người học.

Theo đó, nhóm ngành dự kiến thu học phí cao chính là những ngành nhu cầu của người học cao nhưng thị trường lao động đã bão hoà như kinh tế, tài chính, ngân hàng. Nhà nước sẽ không hỗ trợ chi phí đào tạo cho những ngành này. Cùng với đó, những ngành nhu cầu sử dụng lớn nhưng ít người học như nông, lâm, ngư… sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ đang đề nghị các trường đại học, học viện nghiên cứu từng ngành học trong trường mình trên cơ sở chi phí đào tạo thực tế và nhu cầu sử dụng của xã hội để chia ra ngành nào thu học phí cao, ngành nào cần hỗ trợ… và báo cáo về Bộ. Đây sẽ là cơ sở để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về mức học phí mới, dự kiến triển khai ngay năm 2013.

Cũng trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, việc tăng lệ phí dự thi ĐH, CĐ theo đề xuất của các trường đang được đề nghị với Bộ Tài chính. Được biết, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Tài chính cho phép nâng mức lệ phí 100.000 đồng trên mỗi bộ hồ sơ thay vì mức 80.000 đồng như hiện nay do chi phí tổ chức tuyển sinh của các trường mỗi năm lại tăng hơn so với mùa tuyển sinh trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hương (An ninh Thủ Đô)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN