Phương án thi THPT Quốc gia 2017: Các trường bị 'quay' xoành xoạch

Phương án thi THPT quốc gia năm 2017 tuy được đánh giá là đã tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp hơn so với dự thảo, song vẫn khiến các trường THPT xáo trộn nhiều trong dạy và học. Các trường phải chuyển đổi giáo án, điều chỉnh chương trình, lịch học, phương pháp dạy và cách ra đề từ tự luận sang trắc nghiệm một cách gấp gáp.

Phương án thi THPT Quốc gia 2017: Các trường bị 'quay' xoành xoạch - 1

Lo bài thi trắc nghiệm quá dài

Đối với bài thi tổ hợp KHTN và KHXH, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM cho rằng, dự thảo trước đây là 20 câu cho mỗi môn thành phần thì mọi người nói quá ít để đánh giá học sinh. Nay trong phương án chính thức Bộ đã nâng lên thành 40 câu, tổng cộng sẽ là 120 câu cho thời gian thi 150 phút. “Với thời gian thi trắc nghiệm dài như vậy, tôi lo học sinh thi sẽ rất mệt dù cho đề có dễ đi nữa. Nếu Bộ điều chỉnh 30 câu mỗi môn thì tôi nghĩ sẽ hợp lý và vừa sức học sinh hơn”, ông Khương nói.

Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, cho biết, Bộ GD&ĐT chưa nói rõ năm nay những thí sinh có các chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL... có được miễn thi Ngoại ngữ như những năm trước đây hay không. “Trường đại học cũng nên công bố sớm các tổ hợp xét tuyển đại học ra sao, xét toàn bài hay chỉ xét theo khối thi để học sinh có định hướng học tập đúng. Bộ và các trường đại học cần nói rõ để các em này biết và điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp”, ông Độ kiến nghị.

“Chúng tôi không sợ thay đổi, chỉ sợ không bền vững, đừng có năm nay thế này năm sau thế khác khiến giáo viên mất công mà học sinh thì thích nghi không kịp”. 

Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú cho rằng: “Với lượng thời gian thi trắc nghiệm bài thi tổ hợp là 150 phút là khá dài nên ít nhiều sẽ gây khó khăn cho học sinh. Vì thế, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng và chiến lược riêng. Bên cạnh đó, nếu học sinh được tập luyện trước thì sẽ không bị áp lực lớn trong quá trình làm bài”, ông Hiếu cho biết. Theo ông Hiếu, năm nay là một năm học khá nặng cho học sinh bởi bắt buộc học sinh phải thi ít nhất 6 môn để xét tốt nghiệp THPT, trong khi năm trước là 4 môn.

Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho rằng: Về ba môn thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ chúng ta gần như không phải băn khoăn gì. Riêng hai môn mới là khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) trước đây chỉ có 60 câu, nay điều chỉnh lên 120 câu với thời lượng 150 phút là quá nhiều. Bởi mỗi câu có 4 đáp án, càng về sau học sinh sẽ giảm mất sự tập trung cũng như tư duy nên có em sẽ “tích” bừa hoặc sự cân nhắc không còn chuẩn được như trả lời những câu đầu tiên. “Tất nhiên, việc gì cũng có hai mặt, nếu ít câu hỏi quá cũng khó đánh giá được chất lượng thực sự của học sinh. Theo tôi, khi Bộ đã chọn phương án nâng câu hỏi lên 120 câu như thế thì cần ra câu hỏi ngắn gọn để học sinh dễ làm bài, tránh tâm lý mệt mỏi”, thầy Lê Vinh nói.

Ông Vinh chia sẻ, điều ông lo lắng nhất là môn Giáo dục công dân. Đây là lần đầu tiên môn học này được đưa vào kỳ thi. Do vậy, riêng môn này ngay sau khi có dự thảo, trường đã họp tổ bộ môn để yêu cầu giáo viên viết lại khung chương trình, lên kế hoạch dạy học và chuẩn bị xây dựng các bộ câu hỏi trắc nghiệm liên quan để cho học sinh dần làm quen.

Ông Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên bày tỏ sự lo lắng về các môn lần đầu thi trắc nghiệm như Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân sẽ khiến học sinh bỡ ngỡ. Đặc biệt là môn giáo dục công dân, lâu nay học sinh chưa có sự quan tâm đúng mực nay giáo viên phải có hướng dẫn cụ thể để học sinh yên tâm học tập.  “Ngoài dạy tốt kiến thức nền, trường chỉ đạo các bộ môn từ này phải tích cực tham gia làm đề trắc nghiệm và cho học sinh trải nghiệm hàng ngày, hàng giờ trong lớp học”, ông Thuấn nói. Riêng các bài thi KHTN, KHXH trường vẫn phải chờ đề thi minh họa.

Phương án thi THPT Quốc gia 2017: Các trường bị 'quay' xoành xoạch - 2

Nhiều trường THPT phải thay đổi lại thời khóa biểu, chương trình học để thích nghi với phương án thi THPT QG 2017.

Nhiều xáo trộn

Ngoài các môn Toán, Sử, Địa chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm thì lần đầu tiên môn GDCD được đưa vào thi để xét tốt nghiệp THPT. Đây là điều khiến các trường phổ thông lo lắng bởi môn này xưa nay được xem là môn phụ, học cho có thì nay được xếp vào ngang hàng với các môn chính khác.

Theo ông Nguyễn Hùng Khương, việc chuyển đổi hình thức thi 2 môn Sử và Địa ít nhiều cũng có chút khó khăn, nhưng do 2 môn này vẫn nằm trong 8 môn học được thường xuyên kiểm tra chung và vẫn có nhiều học sinh vẫn thi nên cơ bản sẽ khắc phục được khó khăn. Tuy nhiên, với môn GDCD thật sự là bất ngờ trong phương án thi năm nay. “Do đó, Nhà trường sẽ phải họp bàn bạc kỹ với các giáo viên để bố trí lịch học và ôn tập cho hợp lý để học sinh làm quen sớm với cách thi trắc nghiệm ở các môn mới áp dụng trong năm nay”, ông Khương nói.

Còn ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân cho biết, trong vài ngày tới nhà trường sẽ phải sắp xếp lại toàn bộ lịch học cũng như thời lượng chương trình để phù hợp với phương án thi mới. Theo đó,môn Toán nhà trường phân công mỗi giáo viên soạn lại giáo án một chương theo hình thức trắc nghiệm để thay thế giáo án trước đây, thời khóa biểu của trường cũng điều chỉnh theo hướng tăng những môn dự kiến thi trong bài tổ hợp. “Chẳng hạn như môn Sinh trước đây các em được học 2 tiết/tuần thì nhà trường tăng lên thành 3 tiết/tuần. Sau khi kết thúc chương trình học thì nhà trường sẽ tăng tiết các môn thi thêm nữa”, ông Độ nói. “Chúng tôi không sợ thay đổi, chỉ sợ không bền vững, đừng có năm nay thế này năm sau thế khác khiến giáo viên mất công mà học sinh thì thích nghi không kịp”, ông Độ nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TPHCM cho biết:“Trước đây các em học theo hình thức 4 môn giờ chuyển thành 6 môn và hình thức thi cũng thay đổi nên dự kiến Nhà trường sẽ phải sắp lại lớp học theo nguyện vọng của học sinh và tăng tiết nhiều môn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN