Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017 được thiết kế như thế nào?

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ có tính toán hợp lý để có mức độ phân hóa đề thi phù hợp đồng thời Bộ sẽ có phương án thử nghiệm đề thi cho nhiều đối tượng học sinh.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017 được thiết kế như thế nào? - 1

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi năm 2017 có sự phân hóa cao. 

Tại buổi họp báo chiều 28/9, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi sẽ được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, 40% kiến thức nâng cao đảm bảo tính phân hóa thí sinh.

Cũng theo ông Trinh, đề thi được áp dụng trên 1 triệu học sinh, tuy nhiên có những môn như Lịch Sử, Công dân, Lịch sử, Địa lý là lần đầu tiên áp dụng phương án thi trắc nghiệm. Do đó, đề thi cũng được thử nghiệm trên nhiều đối tượng học sinh nông thôn – thành thị, đồng bằng – miền núi…

"Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi để ra đề thi chính thức được thực hiện theo một quy định khoa học mà đất nước áp dụng và chúng ta không nằm ngoài quy trình đó. Trong quá trình như vậy, chắc chắn Bộ sẽ có khâu thử nghiệm ngân hàng câu hỏi và đề thi”, ông Trinh nói.

Theo ông Trinh, nhận thức đề thi có vai trò quyết định trong thành công của mỗi một kì thi nên Bộ GD-ĐT đã kiên trì thực hiện xây dựng đề thi nhiều năm, trên cơ sở phương thức thi phù hợp với những gì đang diễn ra trong thực tiễn dạy – học.

Trong năm 2017, nét mới rất rõ thể hiện ở chỗ các bài thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bởi các đặc tính của bài thi trắc nghiệm khách quan rất phù hợp với các kì thi đánh giá mức độ kiến thức cơ bản và đặc biệt, phù hợp với số lượng thí sinh tham gia đông.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, phương pháp thi trắc nghiệm khách quan bắt đầu được đưa vào từ năm 2007 ở các môn Lý, Hóa, Sinh đã cho kết quả rất thành công còn trong Toán học, nhiều cấp bậc khác nhau cũng đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm, học sinh đã có thể làm quen.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, từ nay đến tháng 5, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết, lực lượng tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi là các thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm, nhiều năm tham gia xây dựng đề thi với Bộ GD-ĐT. Các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các giảng viên của các trường đại học… Họ đều là những người am hiểu về tuyển sinh THPT, ĐH-CĐ và nắm vững quy trình, nguyên tắc xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Không phải xuất phát từ con số 0, trong mười mấy năm qua chúng ta đã có ngân hàng câu hỏi tương đối lớn. Thêm nữa, chúng ta hoàn toàn có thể kế thừa những sản phẩm mà ĐHQGHN đã thí điểm trong thời gian qua.

Để thí sinh yên tâm về đề thi, ngay sau khi công bố phương án này, Bộ sẽ tính toán, tập hợp lực lượng giáo viên, chuyên gia đủ lớn để trong khoảng thời gian từ nay cho đến tháng 5 tới, sẽ thực hiện đầy đủ quy trình, các bước xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi. Vừa đảm bảo quy trình, độ tin cậy và số lượng để phục vụ kỳ thi mà mỗi học sinh có một mã đề khác nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN