Nỗi niềm “lên núi” phổ cập mầm non

Trong một chuyến đi cùng đoàn công tác của Bộ GD&-ĐT kiểm tra công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) trẻ 5 tuổi tại huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, được lắng nghe những tâm sự và chia sẻ của những người giáo viên mầm non (GVMN) nơi đây, chúng tôi mới thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ của những người GV làm công tác phổ cập và giảng dạy tại các vùng miền núi khó khăn.

Vừa làm phổ cập, vừa làm tư vấn hôn nhân - pháp luật

Qua thực tế nhiều năm trực tiếp đến từng thôn, bản xã Sơn Thượng (huyện Sơn Hà) làm công tác phổ cập, cô Cao Thị Trường – giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Thượng chia sẻ: “Có trường hợp vì hoàn cảnh gia đình nên các em phải chuyển chỗ ở qua nhiều nơi khác nhau. Khi mới sinh ra cháu ở với bố mẹ mang tên này, nhưng khi cháu được vài tuổi vì cha mẹ ly hôn, hay đi làm ăn xa phải gửi cháu đi tới ở với ông bà nội. Một thời gian sau cháu lại qua ở với ông bà ngoại nên công tác điều tra, cập nhật số liệu và nắm bắt các thông tin gặp rất nhiều khó khăn”.

Nỗi niềm “lên núi” phổ cập mầm non - 1

Hầu hết giáo viên mầm non mong muốn Nhà nước có chế độ đãi ngộ xứng đáng và quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp

Tình trạng này không chỉ xảy ra trong địa bàn xã Sơn Thượng, mà rất phổ biến ở hầu hết các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn huyện Sơn Hà, cũng như các huyện miền núi Quảng Ngãi. Theo nhiều giáo viên, có một thực trạng khác làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác phổ cập mầm non 5 tuổi là tình trạng nhiều trường hợp lấy nhau nhưng không đi đăng ký hoặc không chịu đi đăng ký kết hôn. Khi sinh con lại “quên” làm giấy khai sinh cho con. Cô Nguyễn Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Trung cho hay, phần nhiều người dân còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con. Bởi vậy, giáo viên phụ trách làm công tác phổ cập thường “kiêm” luôn công tác dân số, tư vấn về hôn nhân và pháp luật cho người dân.

Cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Thượng tâm sự: “Do địa bàn dân cư phân bố rộng, có một số thôn nằm ở địa hình đồi núi cao và hẻo lánh, nên việc giáo viên đến từng nhà cập nhật thông tin, điều tra số liệu phổ cập có nhiều khó khăn đặc thù. Đa số các trường mẫu giáo nơi đây đều có từ 4 đến 5 điểm trường lẻ cách xa nhau, xa trung tâm xã; điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại các điểm trường này hết sức thiếu thốn. Để vượt qua những gian khó này người giáo viên phải thực sự có nghị lực “vượt qua chính mình”. Tôi nghĩ, nếu một người giáo viên muốn “bám trụ” dạy học ở đây chỉ vì để có một công việc mưu sinh thì khó có thể “tồn tại” được.

Cần sự quan tâm của chính quyền cùng các đoàn thể địa phương

Đối với bậc học mầm non, giáo viên không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mà phải tìm tòi các tài liệu phục vụ chương trình dạy, làm đồ dùng giảng dạy, luôn phải cập nhật, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động, làm sổ sách phổ cập… Bên cạnh áp lực khối lượng công việc lớn, giáo viên mầm non còn chịu áp lực về thời gian và bị căng thẳng về giờ giấc. Bình quân mỗi giáo viên làm việc trên 10 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 6 giờ 30’ đến 17 giờ chiều; chưa kể, những lúc phụ huynh đến đón con muộn, giáo viên cũng phải ở lại trông trẻ.

Nỗi niềm “lên núi” phổ cập mầm non - 2

Giáo viên dạy các điểm lẻ có điều kiện ăn ở, sinh hoạt thường rất gian khổ

Tốt nghiệp, cô Trường về xã Sơn Thượng công tác,  được phân công chuyên trách công tác phổ cập. Cô Cao Thị Trường giãi bày: Sự đồng cảm, chia sẻ chân thành chính là yếu tố tiên quyết để tiếp cận với bà con, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp mình làm tốt công tác phổ cập và thực hiện tuyên truyền lối sống hợp vệ sinh, chăm sóc trẻ an toàn cho bà con dân bản.

Nhiều giáo viên có kinh nghiệm lâu năm thực hiện công tác PCMN cho rằng để nâng cao chất lượng phổ cập, rất cần những người giáo viên có tấm lòng, trách nhiệm. Cô Nguyễn Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Trung bày tỏ, trước bộn bề những khó khăn khi làm công tác phổ cập, nhiều giáo viên mầm non cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là thay đổi nhận thức về công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Hiện nay, ngoài việc một bộ phận phụ huynh có nhận thức sai lệch về công tác này, coi thường và bất hợp tác với cán bộ điều tra do trình độ còn hạn chế, thì điều đáng nói hơn là trong công tác thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi thiếu sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành giáo dục. Bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ cho PCGDMN cho trẻ 5 tuổi cũng không hề đơn giản. Các trường ở vùng sâu, vùng xa không chỉ gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất mà còn thiếu khá nhiều biên chế giáo viên mầm non”.

“Mặc dù đã có sự chỉ đạo nhưng không phải địa phương nào cũng có sự phối hợp chặt chẽ. Một số nơi đã gần như “khoán trắng” cho ngành giáo dục khiến công việc điều tra càng khó khăn thêm”, cô Cao Thị Trường cho biết thêm.

Từ kinh nghiệm lâu năm trong công tác giảng dạy và làm công tác phổ cập tại nhiều địa bàn vùng khó, cô Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Mặc dù, theo chính sách quy định giáo viên mầm non có 6 giờ làm việc/ngày, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Giải pháp để giải quyết căn bản vấn đề giờ làm cho giáo viên là tăng cường các dịch vụ hỗ trợ ngoài giờ nhằm huy động xã hội hóa và trách nhiệm của phụ huynh.

Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi chính quyền địa phương chỉ coi việc PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi là mang tính chất hỗ trợ cho ngành giáo dục. Chính vì vậy, lãnh đạo nhiều trường mầm non bày tỏ mong muốn rằng công tác điều tra và thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi cần có sự chỉ đạo sát hợp hơn, kịp thời hơn; đặc biệt là chỉ đạo phân công trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành giáo dục một cách rõ ràng trước khi bắt đầu làm, thì công tác phổ cập sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, để công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi thực sự hiệu quả cũng cần thiết phải có một cơ chế đãi ngộ xứng đáng hơn cho những người làm công tác này như hỗ trợ chi phí đi lại, tính thêm ngày công cho thời gian làm công tác phổ cập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại Thắng (Giáo dục & Thời đại)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN