Hũ gạo nuôi con chữ

Việc bỏ học vì đói đã không còn là chuyện lạ với những học sinh nghèo các tỉnh Tây Bắc. Chính vì vậy việc hỗ trợ gạo cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn đang là giải pháp thiết thực, hiệu quả và rất nhân văn.

Bỏ học vì đói

Với những học sinh nghèo các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang… việc bỏ học vì đói đã trở thành chuyện không có gì lạ. Nhiều trường vùng cao, cứ đến mùa giáp hạt là cán bộ, giáo viên lo ngay ngáy học sinh bỏ học. "Mỗi ngày đến lớp, đưa mắt nhìn một lượt, thấy học sinh đủ mặt mới yên tâm. Ở vùng cao, việc duy trì được sĩ số ổn định từ đầu đến cuối năm học vẫn là một thách thức. Nguyên nhân của khó khăn đó nằm ngay trong sự đói nghèo" - một giáo viên ở vùng cao Sơn La tâm sự.

Còn với tỉnh Yên Bái thì hàng năm, nhất là trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng, tỉnh phải hỗ trợ tiền, gạo để các em bám lớp với mong muốn rất đau lòng: Đừng em nào phải bỏ thi vì đói, vì nghèo - một mong muốn rất đặc trưng của giáo dục vùng cao.

Hũ gạo nuôi con chữ - 1

Cái đói đang đeo đuổi nhiều học sinh ở vùng cao Sơn La

Với học sinh nghèo ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, hũ gạo tình thương của các cựu chiến binh Phong Thổ đã giúp hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên, tiếp tục bám lớp. Ông Phàn A Lử - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Thổ cho biết: Xuất phát từ thực tế khó khăn của học sinh các dân tộc trong vùng, 5 năm qua, chúng tôi xây dựng “Hũ gạo nuôi con chữ" theo kiểu tiết kiệm, hàng ngày mỗi cựu chiến binh bỏ ra một nắm gạo, đến nay đã giúp đỡ hàng trăm học sinh vượt qua khó khăn, tiếp tục theo đuổi học chữ. Nhưng chúng tôi vẫn đau đáu một điều: Số học sinh được giúp đỡ còn ít quá so với nhu cầu thực tế; điều đó có nghĩa là vẫn còn nhiều cháu chẳng thể tiếp tục cắp sách đến trường vì đói nghèo.

Một quyết định nhân văn

“Quyết định hỗ trợ gạo ăn cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp cả trăm ngàn học sinh khó khăn ở các vùng miền tiếp tục thực hiện ước mơ học tập vì tương lai của chính mình, gia đình mình và của đất nước”.

Bà Điêu Thị Duy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La.

Với một địa phương đặc biệt khó khăn như Sơn La, hiện đang có tới gần 40% số hộ nghèo và cận nghèo, thì việc lo miếng ăn hàng ngày cho học sinh vẫn là một gánh nặng quá lớn với mỗi gia đình cũng như thực lực của tỉnh. “Quyết định hỗ trợ gạo ăn cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ là một giải pháp thiết thực, hiệu quả và nhân văn, vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Bởi thế ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát, thống kê số lượng học sinh, sinh viên cần hỗ trợ lương thực để có kế hoạch trình Thủ tướng xem xét" - bà Điêu Thị Duy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La bảo vậy.

Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ đã đến rất kịp thời và thiết thực. “Có những chính sách hỗ trợ đồng loạt như vậy quả là một sự tháo gỡ rất lớn đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói riêng và tương lai của đất nước, của dân tộc nói chung” - ông Phàn A Lử phấn khởi nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kiều Thiện (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN