Đau đầu với học chữ trước lớp 1

Nhiều ý kiến cho rằng: Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ khiến trẻ ỷ lại, tự mãn, làm giảm khả năng tự học và tiếp thu kiến thức mới của trẻ.

Đến hẹn lại lên, nhiều phụ huynh có con học lớp lá chuẩn bị vào lớp 1 bắt đầu chạy đôn chạy đáo cho con đi học chữ. Tại sao bao nhiêu năm, chuyện này vẫn cứ lặp đi lặp lại dù lãnh đạo ngành giáo dục luôn luôn khẳng định: Trẻ vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ.

Biết chữ trước là thiệt thòi

Cô Hoàng Thị Thanh Vui, giáo viên dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết phần lớn học sinh vào lớp 1 biết chữ trước đều viết chữ sai. Ví dụ, những nét thẳng các em lại viết cong, không phân biệt được chữ viết và chữ in trong sách, có em đọc hay nhưng lại đánh vần ngược, không biết canh ô ly để viết… “Những gì các em biết đầu tiên, các em nhớ rất lâu và rất khó sửa. Có em học hết lớp 1 vẫn không sửa được. Đã vậy, các em này lại hay quậy phá, tỏ thái độ ỷ lại, tự mãn. Tâm lý này sẽ theo các em đến những năm sau đó, nếu không uốn nắn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tự học và tiếp thu kiến thức” - cô Vui nói.

Nói về vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết chương trình lớp 1 hiện nay rất rõ ràng. Học sinh sẽ được học các môn tập viết, tập đọc với đầy đủ các kỹ năng cơ bản, từ tư thế ngồi, cách cầm bút, nối nét, đánh vần, phát âm, ghép từ,… Giáo viên cũng sẽ hướng dẫn bé từ cách đặt quyển vở, cách mở trang sách giáo khoa, dạy học sinh nói để trình bày một việc gì đó với thầy cô,…

Đau đầu với học chữ trước lớp 1 - 1

Một trung tâm gia sư tại quận Tân Phú chuyên nhận dạy trẻ chuẩn bị vào lớp 1 - Ảnh: Phạm Anh

“Đặc điểm của học sinh tiểu học là các em bắt đầu học các kỹ năng bằng phương pháp “tập” như “tập viết”, “tập đọc”, “tập làm văn”. Mỗi “tập” là sự bắt đầu, còn vụng về, sai sót... nên sẽ có giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ. Bé viết đúng rồi sẽ viết đẹp, bé đọc rõ ràng rồi sẽ đọc hay. Phụ huynh không nên sốt ruột mà cho con học trước chương trình lớp 1” - ông Điệp nói.

Phát tài liệu tuyên truyền cho dân

Một hiệu trưởng trường mầm non tại quận 3 nói nhà trường giật mình khi có phụ huynh hỏi thẳng cô giáo: Trường có dạy chữ ngoài giờ không”, giống như một điều đương nhiên phải có. Nếu đổ lỗi việc dạy chữ cho giáo viên mầm non là không công bằng vì có cầu mới có cung. Chưa kể, quy chuẩn dạy trẻ lớp 1 cũng chưa thống nhất, mỗi trường mỗi kiểu, đến cái ly uống nước cũng dán chữ thay vì dán số hoặc hình thì làm sao tránh được chuyện phụ huynh cho con học chữ bên ngoài” - vị hiệu trưởng này phân tích.

Không còn xuất hiện tình trạng phụ huynh cho con nghỉ học lớp lá để đi học chữ nhưng theo bà Chung Bích Phượng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, sẽ vẫn còn nhiều phụ huynh tìm cách cho con học thêm chữ để vào lớp 1. Lý do là họ chỉ có 1-2 con nên muốn lo cho con tốt nhất, không để thua kém ai.

Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục quận này đã soạn thảo một số nội dung như tâm sinh lý trẻ năm tuổi, tác hại của việc học chữ trước khi vào lớp 1… rồi đưa xuống các phường phát cho người dân hoặc dán lên bảng tin để tuyên truyền. Tuy nhiên, theo bà Phượng, cách làm này chỉ là bề nổi. “Để thay đổi tâm lý và nhận thức này sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhà nước phải có lộ trình, thực hiện xuyên suốt trong toàn xã hội, phải truyền tai nhau mọi lúc, mọi nơi. Để thực hiện điều này cần tập trung nhiều nhân lực, kênh thông tin và kinh phí từ Nhà nước” - bà Phượng nói.

Con tôi chưa biết chữ nào khi vào lớp 1

Năm ngoái, vừa hết học kỳ 2, nhiều phụ huynh lớp lá nơi trường con tôi học đã xôn xao bàn chuyện cho con đi học chữ trước. Người thì cho con học với cô giáo ở trường mầm non, người lại cất công đi tìm cô giáo “xịn” ở trường cấp 1 nơi con họ sẽ học. Tôi trở thành người “ngoài cuộc” khi quyết tâm không cho con mình học trước vì con tôi là con trai, cháu vốn rất sợ học chữ. Học hết lớp lá ở trường mầm non, cháu chỉ biết các nét cơ bản mà không hề biết chữa A, B, C viết như thế nào.

Lên lớp 1, biết tình trạng chung là nhiều cháu đã được học trước chương trình lớp 1, tôi liền hợp tác ngay với cô chủ nhiệm, cho cô biết là cháu “một chữ cắn đôi cũng không biết” và nhờ cô cho bài tập cho cháu mỗi ngày mỗi ít để cháu quen dần. Tôi cũng dạy cho cháu quen dần với mặt chữ thông qua trò chơi đoán chữ, đoán số mỗi khi tôi chở cháu đi ngoài đường.

Chỉ một tháng sau, cháu hoàn toàn bắt nhịp kịp với chúng bạn. Và đến cuối học kỳ 1, cháu đã đọc thông viết thạo như các bạn trong lớp.

Rõ ràng, các bậc phụ huynh không có gì phải sốt ruột, vội vàng cho con học trước chương trình lớp 1 vì con em mình vẫn học tốt, bám kịp chương trình. Chưa kể, việc biết trước của các cháu khiến các cháu đâm ra ỷ lại, không thèm học, quay ra chọc phá bạn bè trong giờ học, gây khó cho giáo viên.

Chị Nguyễn Hồng Loan,
phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN