Nhiều trường dừng tuyển một số ngành
Các trường ĐH địa phương, trường ĐH vùng đóng vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, cho từng địa phương. Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua, các trường ĐH vùng, ĐH địa phương vẫn rất khó tuyển sinh.
Trong các mùa tuyển sinh gần đây, nhiều ngành học ở các trường ĐH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn, hơn nữa những ngành này được gọi là đào tạo nhân lực cho địa phương nhưng vẫn rất khó tuyển sinh.
Trường ĐH An Giang hầu hết các ngành điểm chuẩn chỉ ở mức điểm sàn nhưng ở mùa tuyển sinh 2012, trường đã thông báo tạm ngưng tuyển sinh các ngành hệ ĐH: Chăn nuôi, Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, hệ CĐ ngành Chăn nuôi do số thí sinh trúng tuyển không đủ để tổ chức đào tạo.
Trong khi đó, các ngành Sư phạm Lý, Hóa cũng “trầy trật” trong tuyển sinh. Tương tự thế, Trường ĐH Đồng Tháp cũng ngưng tuyển sinh 2 ngành từ năm 2011 là Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp vì không có người học.
Học sinh tỉnh Phú Yên đặt câu hỏi trong một chương trình tư vấn tuyển sinh.
Điểm thấp vẫn không có người học
Các ngành: Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tin học năm 2012 mỗi ngành chỉ có khoảng 20 thí sinh trúng tuyển…Trường ĐH Trà Vinh năm 2012 cũng phải kéo dài thời gian xét tuyển tới tận 30-11 nhưng nhiều ngành vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
Ở khu vực miền Trung, năm 2012, Trường ĐH Phú Yên cũng tạm ngưng đào tạo các ngành cử nhân: Sinh học, Văn học, Sử học, Việt Nam học vì chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Các trường ĐH địa phương khác như: ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), ĐH Phan Chu Trinh (Quảng Nam), ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), ĐH Yersin (Lâm Đồng)... dù thời gian xét tuyển kéo dài nhưng nhiều ngành vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
TS. Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phú Yên chia sẻ: Các trường ĐH vùng, ĐH địa phương đào tạo các ngành nghề nào đều căn cứ trên nhu cầu nhân lực của địa phương. Vì thế, sinh viên học ra trường sẽ dễ có cơ hội việc làm hơn.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nhiều ngành ở các ĐH địa phương vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển. TS. Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp nói thêm: Nhiều học sinh và phụ huynh cứ nghĩ rằng học ngành sư phạm ở các trường ĐH ở tỉnh thì chỉ làm việc trong tỉnh nên các em ít đăng ký xét tuyển. Đó là nguyên nhân khiến các ngành sư phạm ở các trường tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn khó tuyển.
Học ở tỉnh có khó xin việc làm?
TS. Phạm Tấn Hạ, ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TPHCM) tư vấn ngành nghề cho học sinh tỉnh Bình Định - Ảnh: QP.
Trong nhiều chương trình tư vấn gần đây, không ít thí sinh băn khoăn về nhu cầu nhân lực ngành sư phạm của địa phương. TS. Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết: Ngành Giáo dục các tỉnh năm nào cũng có tuyển giáo viên. Việc tuyển giáo viên căn cứ vào các tiêu chí: Điểm số học tập ở trường ĐH, CĐ, hộ khẩu thường trú, chế độ chính sách.
Các tiêu chí này được công khai để người tham gia xét tuyển biết mình đạt tiêu chí nào. Việc tuyển dụng sẽ được xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, do đó, các em đừng nghe các thông tin bên lề mà mất niềm tin.
TS. Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên cho rằng: Hiện ngành Giáo dục tiểu học và mầm non là ngành “hot” vì nhu cầu nhân lực còn lớn, thu hút sinh viên nhiều tỉnh thành khác nhau theo học. Khi tốt nghiệp, các em có thể xin việc ở tỉnh nhà hoặc các tỉnh khác. Trường ĐH Phú Yên đào tạo theo nhu cầu của tỉnh nên tùy theo nhu cầu giáo viên của tỉnh mà UBND tỉnh giao chỉ tiêu để trường đào tạo.
Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, để biết địa phương mình cần nhu cầu nhân lực ngành nghề nào thì thí sinh có thể theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc thông tin về nhu cầu nhân lực tại các Sở Lao động Thương binh và Xã hội của tỉnh đó.
Ví dụ các tỉnh miền Tây đang cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực nông-lâm-ngư, các tỉnh Đông Nam bộ có thế mạnh về công nghiệp, các tỉnh: Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… thì lại cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực du lịch, văn hóa giải trí…
TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (Phú Yên) cho rằng: Học ĐH ở tỉnh cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở tỉnh đó mà có thể làm việc ở tất cả các nơi khác. Nếu có đam mê và học tập tốt thì cơ hội việc làm của các em không ít.
Tương tự, ThS. Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng đưa ra lời khuyên: Nhu cầu nhân lực ở các ngành nghề hiện nay là khá lớn, dù các bạn học ở trường nào đi chăng nữa nhưng nếu bạn có đam mê với nghề và có năng lực tốt thì không lo gì không có việc làm.
Thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk tiếp lời: Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp và các trường nghề đủ sức tiếp nhận tất cả học sinh tốt nghiệp THPT. Vấn đề là các bạn xác định được năng lực và sở thích của mình để chọn bậc học, ngành học phù hợp.
Học trường ĐH gần nhà chi phí sẽ giảm hơn nhiều so với học tại các thành phố lớn. Do vậy, các em nên lưu ý đến điều kiện kinh tế gia đình để có thể chọn trường học phù hợp nhất.