Người nâng điểm cho 114 thí sinh ở Hà Giang có bị khởi tố?

Nhiều bạn đọc thắc mắc, hành vi nâng điểm cho 114 thí sinh ở Hà Giang của ông Vũ Trọng Lương sẽ bị xử lý thế nào?

Người nâng điểm cho 114 thí sinh ở Hà Giang có bị khởi tố? - 1

Ông Vũ Trọng Lương (trái) làm thủ tục cho thí sinh kiểm tra phong bì đề thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2017-2018 - Ảnh: Sở GD-ĐT Hà Giang

Xử lý hành chính?

Chiều 17/7, Hà Giang chính thức họp báo công bố thông tin rà soát kết quả thi THPT Quốc gia 2018 ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang.

Qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh. Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định…

Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Liên quan tới vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi can thiệp vào kết quả thí sinh của ông Vũ Trọng Lương sẽ xử lý thế nào?

Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi can thiệp vào điểm thi của các thí sinh của ông Vũ Trọng Lương đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Hành vi trên, có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật đối với công chức hoặc bị xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Theo luật sư Tuấn Anh, quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25.1.2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.

“Điều 79 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định đối với những công chức vi phạm quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu một trong những hình thức xử lý kỷ luật như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Mức kỷ luật sẽ được người đứng đầu cơ quan theo đó sẽ xem xét mức độ vi phạm để tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với người vi phạm”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cho rằng, ông Lương cũng có thể bị xử phạt hành chính 5-7 triệu đồng về hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định theo quy định tại Điều 13, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 138/2013/NĐ-CP).

Có thể khởi tố vụ án hình sự

Tuy nhiên, luật sư Tuấn Anh cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng chứng minh được ông Lương là người trực tiếp thực hiện hành vi sửa nội dung bài thi, sửa điểm thi vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân nào đó, thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 1-20 năm tù vào mức độ vi phạm.

“Tôi cho rằng vụ việc này đặc biệt nghiêm trọng, không dừng ở vi phạm hành chính nữa mà có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Vụ việc ảnh tới xã hội rất lớn, ảnh hưởng tới lòng tin của người dân và gây ra thiệt hạivề vật chất.

Việc nâng điểm thi không chỉ ảnh hưởng tới kết quả thi của thí sinh được nâng điểm mà còn ảnh tới các thi sinh khác tham gia xét tuyển cùng đợt thi này. Tôi cho rằng, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án để điều tra, xử lý người liên quan”, luật sư Tuấn Anh nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho rằng, hành vi của ông Vũ Trọng Lương đã xâm phạm đến khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Hành vi can thiệp sửa kết quả bài thi cho 114 thí sinh của ông Lượng đã có dấu hiệu phạm tội“Giả mạo trong công tác”.

“Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế”, luật sư Thơm phân tích.

Luật sư Thơm và luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, trong trường hợp này, nếu có căn cứ xác định gia đình, phụ huynh đã có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho ông Vũ Trọng Lương nhằm mục đích sửa chữa làm sai lệch điểm thi thì người đưa tiền hoặc vật chất sẽ bị xử lý về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự hiện hành.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT: Tôi quá sốc với gian lận thi cử ở Hà Giang

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, sự việc này thật kinh khủng, làm khổ học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Gian lận thi cử ở Hà Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN